Thông cáo của UNRWA trên mạng xã hội X cũng ghi nhận tình cảnh “không có nơi nào để trú ẩn” ở Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh những nơi trú ẩn của cơ quan này đang “tràn ngập” người Palestine.
Trước đó, UNRWA thông báo hơn 85% dân số ở Dải Gaza đang phải di dời và có gần 1,2 triệu người đang trú ẩn trong 156 cơ sở do cơ quan này vận hành.
Tuần trước, Israel đã nối lại những cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Palestine sau khi kết thúc thời gian tạm ngừng chiến sự vì mục đích nhân đạo. Tới nay, đã có ít nhất 16.248 người Palestine thiệt mạng và hơn 43.600 người khác bị thương trong những đợt tấn công ở cả trên bộ và trên không nhằm vào Dải Gaza kể từ ngày 7-10.
Trong một diễn biến có liên quan đến tình hình Gaza, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 6-12 tuyên bố Washington sẽ phản đối bất kỳ vùng đệm nào được đề xuất bên trong Dải Gaza.
Theo ông Miller, đề xuất trên mâu thuẫn với lập trường của Mỹ cho rằng Dải Gaza không cần phải giảm diện tích sau cuộc xung đột hiện nay giữa Hamas và Israel.
Trước đó, truyền thông Trung Đông đưa tin Israel đã chuyển tới một số quốc gia Arab và Thổ Nhĩ Kỳ thông điệp về các kế hoạch thiết lập vùng đệm.
Thủ tướng Tây Ban Nha kêu gọi công nhận Nhà nước Palestine
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 6-12 tuyên bố Madrid sẽ tiếp tục nỗ lực để công nhận Nhà nước Palestine ngay cả khi động thái này không nhận được đủ sự ủng hộ trong Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu trước báo giới tại Madrid, Thủ tướng Sanchez nhấn mạnh kết quả chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine phải dựa trên giải pháp hai nhà nước. Theo ông, Nhà nước Palestine phải được công nhận trước để tiến tới tổ chức hội nghị hoà bình quốc tế theo sáng kiến của Tây Ban Nha.
Theo Thủ tướng Sanchez, mặc dù hơn 130 quốc gia đã công nhận Nhà nước Palestine, song Mỹ và một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa công nhận. Do đó, nhà lãnh đạo Tây Ban Nha kêu gọi đưa ra những sáng kiến trong nội bộ EU để thúc đẩy công nhận Nhà nước Palestine.
Ông Sanchez cũng kêu gọi EU thay đổi chính sách, cho rằng nếu giữ im lặng trước những hành động của Israel ở Gaza và Bờ Tây, Brussels sẽ có nguy cơ bị cộng đồng quốc tế cô lập.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 6-12 đã tái khẳng định lập trường ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine.
Trong tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến, các nhà lãnh đạo G7 nêu rõ: “Chúng tôi duy trì cam kết về Nhà nước Palestine là một phần của giải pháp hai nhà nước, vốn cho phép cả Israel và Palestine sống trong nền hòa bình công bằng, lâu dài và an toàn”.
Ngoài ra, các nước G7 cũng kêu gọi tiếp tục ngừng bắn vì mục đích nhân đạo trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine ở Dải Gaza.
Các nhà lãnh đạo G7 nêu rõ: “Cần nhiều hành động khẩn trương hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trở nên tồi tệ ở Dải Gaza và giảm thiểu thương vong cho dân thường. Chúng tôi ủng hộ và khuyến khích tiếp tục các lệnh ngừng bắn vì mục đích nhân đạo để tạo điều kiện thực hiện mục tiêu này”.
Ngoài ra, G7 cũng yêu cầu Iran hạn chế hỗ trợ Hamas cũng như các lực lượng Hezbollah và Houthi trong khu vực.
Tuyên bố trên được đưa trong bối cảnh Israel tiếp tục tấn công Hamas tại Dải Gaza, khiến kịch bản về bất kỳ thỏa thuận hòa bình rộng rãi nào giữa hai bên trở thành viễn cảnh xa vời vào thời điểm hiện nay.