Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: TTXVN |
Trong tuyên bố với báo giới sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại trụ sở Chính quyền Palestine (PA) ở Ramallah, Bờ Tây, Tổng thống Abbas kêu gọi Tổng thống Macron chấm dứt các hành động gây hấn của phía Israel, đồng thời lên án mạnh mẽ các cuộc không kích của Israel, khẳng định Israel "và các quốc gia ủng hộ nước này phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột". Ông nói thêm, cần phải có một "hội nghị hòa bình quốc tế" về Gaza.
Phát biểu với phóng viên, Tổng thống Macron bày tỏ quan điểm rằng, "không gì có thể biện minh" cho sự đau khổ của dân thường trên lãnh thổ Palestine kể từ cuộc tấn công của phong trào Hamas vào Israel ngày 7-10 dẫn đến các cuộc không kích trả đũa của quân đội Israel.
Tòa nhà bị phá hủy sau một cuộc không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis ở Dải Gaza. Ảnh: TTXVN |
Trước đó, tại Jerusalem, ông Macron đã bảo vệ quyền tự vệ của Israel trước cuộc tấn công của Hamas. Là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên tới trụ sở PA ở Bờ Tây bị chiếm đóng nhằm bàn cách giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, Tổng thống Macron khẳng định "sẽ không có bất kỳ nền hòa bình bền vững nào nếu không có sự công nhận quyền hợp pháp của người dân Palestine có lãnh thổ và nhà nước".
Tổng thống Pháp cũng kêu gọi khởi động tiến trình chính trị giữa Israel và Palestine, đồng thời nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước có ý nghĩa then chốt nhằm giải quyết xung đột ở Trung Đông.
* Ai Cập sẽ làm hết sức mình để đảm bảo cung cấp viện trợ bền vững cho Gaza
Cũng trong ngày 24-10, tại thủ đô Cairo, Cơ quan Quản lý Thông tin Nhà nước Ai Cập (SIS) đã tổ chức họp báo quốc tế để làm rõ các quan điểm và lập trường của Ai Cập về tình hình xung đột hiện nay ở Dải Gaza cũng như các nỗ lực của Cairo nhằm tìm kiếm giải pháp toàn diện và công bằng cho vấn đề Palestine.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch SIS Diaa Rashwan cho rằng, tình trạng leo thang xung đột đang gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo rất nghiêm trọng tại Dải Gaza, đồng thời khẳng định Ai Cập đã, đang và sẽ làm hết sức mình để đảm bảo mở cửa khẩu biên giới Rafah nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo và lương thực đến cho người dân ở Dải Gaza.
Công nhân bốc dỡ hàng cứu trợ gửi đến Dải Gaza qua cửa khẩu Rafah ngày 21-10-2023. Ảnh: TTXVN |
Theo ông Rashwan, 54 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đã tiến vào Gaza kể từ ngày 21-10 và dự kiến sẽ có thêm 20 xe tải nữa được phép vào dải đất này trong 1-2 ngày tới. Tính đến ngày 23-10, tổng cộng có 457 tấn vật tư y tế, 251 tấn lương thực và 87 tấn nước đã được đưa vào Dải Gaza. Đến nay, 39 máy bay từ các nước chở hàng viện trợ nhân đạo cho Gaza đã đến Ai Cập.
Ông Rashwan nói thêm, Ai Cập đang tăng cường tham vấn để đảm bảo cung cấp viện trợ bền vững cho Gaza. Chủ tịch SIS khẳng định kế hoạch của Israel nhằm di dời cưỡng bức người Palestine ra khỏi Gaza đã bị bác bỏ và biên giới của Ai Cập "là một ranh giới đỏ".
Theo thông báo của Israel, đến nay đã có 1.400 người thiệt mạng kể từ khi Hamas phát động cuộc tấn công vào miền Nam nước này hôm 7-10. Trong khi đó, Bộ Y tế Palestine ở Gaza xác nhận 5.791 người, trong đó có hơn 2.000 trẻ em và 1.400 phụ nữ, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích trả đũa của Israel.