Những giây phút thót tim
Vào lúc 7 giờ 50 ngày 10-4, tại bãi tắm thuộc ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), khi anh Hiếu cùng gia đình tắm biển thì bất ngờ nghe tiếng kêu cứu. Anh lập tức quan sát quanh khu vực, phát hiện cách đó khoảng 40m có những mái đầu nhấp nhô, cánh tay chới với giơ lên khỏi mặt nước. Thấy anh lao đi, nhiều người khuyên đừng vội cứu vì sóng to, nước xoáy. “Trong tình huống quá gấp gáp, tôi không nghĩ nhiều, chỉ biết lao xuống biển cứu người”, anh Hiếu kể.
Khi anh Hiếu bơi ra cứu thì phát hiện những người bị nạn đang ghì chặt lấy nhau, kiệt sức do hụt chân ở vùng nước sâu. Bằng kỹ thuật nghiệp vụ, anh kéo được 3 người (1 nam, 2 nữ) lên khỏi mặt nước, đưa vào bờ an toàn, sau đó tiếp tục lao xuống biển, cùng nhân viên cứu nạn của bãi tắm lặn tìm thêm một người nữa. Khi đã đưa 4 người lên bờ, anh cùng lực lượng chức năng nhanh chóng hô hấp nhân tạo, bóp tim ngoài lồng ngực và cứu sống được các nạn nhân. Chưa kịp bàn giao các nạn nhân cho chính quyền đưa đi cấp cứu, anh Hiếu lại được báo còn một nạn nhân nữa vẫn chưa được tìm thấy. Vậy là anh lại tiếp tục cùng lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm và sau khoảng 30 phút thì tìm thấy nữ sinh H.T.K.P. (23 tuổi, quê Bến Tre) cách vị trí gặp nạn khoảng 200m, nhưng đáng buồn là nạn nhân đã không qua khỏi.
Anh Hiếu chia sẻ: “Tôi từng cứu rất nhiều người bị đuối nước, trong đó có những người bơi lội rất giỏi, nhưng bị chuột rút vẫn gặp nạn. Do đó, mọi người tắm ở bất kỳ đâu, dù là ao hồ hay sông, suối, biển... đều nên mặc áo phao để đảm bảo an toàn. Người sống không gần vùng biển, khi đi bơi nên quan sát, hỏi người địa phương về các vùng xoáy, điểm xoáy để tránh”.
Công việc thầm lặng
Đại úy Thái Ngô Hiếu sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ngày đó, xã Yên Sơn có con sông đào nước xanh biếc chảy qua, là nơi Hiếu cùng bạn bè thường rủ nhau tắm mát. Dòng sông quê hương đã lưu giữ biết bao kỷ niệm tuổi thơ và cũng là nơi rèn luyện kỹ năng bơi lội cho Hiếu. “Kỷ niệm đáng nhớ là hồi đang học lớp 9 và lớp 11, bạn trong lớp rủ nhau đi tắm sông, không may 2 bạn bị đuối nước. Giữa lúc nguy cấp, ai nấy đều hoảng hốt, tôi lập tức bơi ra giữa dòng nước xoáy xiết, đưa 2 bạn vào bờ. Từ đó, tôi cũng thường xuyên tập luyện bơi lội, làm quen với các kỹ năng khi tắm ở các ao hồ, sông suối để khi cần giúp người gặp nạn”, anh Hiếu kể.
Khi về công tác tại Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Đồng Nai từ năm 2012 đến nay, anh Hiếu đã tham gia rất nhiều vụ cứu nạn cứu hộ nguy hiểm, phức tạp trên địa bàn 3 huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu và chi viện cho các địa bàn khác. “Năm 2014, tại huyện Trảng Bom xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm, khi đó tôi mới được tập huấn về, kinh nghiệm chưa có, nhưng vẫn quyết tâm xin chỉ huy đội cho thực hiện nhiệm vụ. Lần đầu tiếp cận với thi thể nạn nhân, tôi có phần hoảng sợ, nhưng sau đó đã bình tĩnh, cố gắng đưa thi thể lên bờ”, anh Hiếu chia sẻ về vụ cứu nạn đầu tiên. Đó cũng là một trong những vụ cứu nạn cứu hộ được Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen.
Lần gần nhất, anh Hiếu cùng đồng đội tham gia trục vớt xe tải bị trôi xuống sông Đồng Nai (đoạn qua xã Hiếu Liêm). Nước sông chảy ngầm và bến cập phà dốc, xe cẩu không thể kéo lên ngay được mà đòi hỏi người lính cứu nạn có kỹ năng xử lý khéo léo. “Do xe chìm xuống bùn nên tôi phải đeo ngược bình dưỡng khí lặn, rồi chui xuống gầm xe để cột dây cáp. Nhưng khi xe được kéo lên lại vấp phải bậc bê tông tại khu vực bến phà không thể kéo tiếp, thêm một lần nữa tôi phải lặn xuống gỡ dị vật vướng vào xe, điều chỉnh dây cáp để xe được kéo lên an toàn”, anh Hiếu nhớ lại.
Với công việc thầm lặng mà cao cả, đến nay, Đại úy Thái Ngô Hiếu đã tham gia 39 vụ cứu nạn - cứu hộ, trong đó có 2 vụ cứu nạn các hộ dân bị ngập do mưa lũ kéo dài trong khu vực lòng hồ Trị An, 4 vụ trên cao, 7 vụ dưới giếng sâu, 1 vụ trục vớt phương tiện giao thông bị trôi giữa dòng sông, 1 vụ sập đổ công trình đang xây dựng, 24 vụ nạn nhân bị đuối nước ở sông, hồ…
Ngày 13-4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 443/CTN về việc tặng thưởng Huân chương Dũng cảm cho Đại úy Thái Ngô Hiếu, vì đã có hành động dũng cảm cứu người, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Cùng ngày, tại hội trường Đảng ủy huyện Long Điền, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với UBND huyện Long Điền tổ chức buổi lễ trao tặng bằng khen, giấy khen cho 6 cá nhân gồm: Đại úy Thái Ngô Hiếu (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Đồng Nai); Nguyễn Văn Quốc, Trần Văn Lâm, Lâm Bửu Thel, Danh Huyện, Danh Lập (cùng là công nhân của Công ty Phát triển xây dựng Đại Phát) vì đã dũng cảm cứu người tắm biển đuối nước tại xã Phước Tỉnh xảy ra ngày 10-4. Trước đó, anh Thái Ngô Hiếu đã được Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, thăng quân hàm vượt cấp từ Trung úy lên Đại úy. |