Xúc tiến thương mại và đầu tư góp phần dịch chuyển kinh tế TPHCM theo hướng xanh, bền vững

Chiều 31-1, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

pct-nguyen-van-dung-3085.jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại hội nghị

Năm 2023, ITPC đã đón tiếp và làm việc với hơn 236 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh, trao đổi về các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tăng 127% so với năm 2022. ITPC cũng tổ chức được 208 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước, tăng 63% so với năm 2022. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2023, Trung tâm đã hỗ trợ 2.205 doanh nghiệp với 1.159 gian hàng, thu hút tổng cộng 722.122 khách tham quan.

Trong đó, hoạt động xúc tiến trong nước thu hút 1.944 doanh nghiệp tham dự với 917 gian hàng. Các chương trình xúc tiến ở nước ngoài mang đến hiệu quả cao, với hơn 550.000 lượt khách tham quan, mang lại doanh thu hơn 333 tỷ đồng, 420 biên bản và 467 hợp đồng được ký kết.

Trong năm, ITPC tổ chức được 19 hội nghị đối thoại chính quyền và doanh nghiệp, thu hút 3.777 lượt doanh nghiệp tham dự, bao gồm 2.311 doanh nghiệp trong nước và 1.466 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tiếp nhận và giải đáp hơn 1.377 câu hỏi. Đặc biệt, qua trang thông tin điện tử đối thoại doanh nghiệp, hệ thống đã tiếp nhận, điều phối và giải đáp hơn 492 câu hỏi của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, hải quan, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, lao động, xây dựng, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, an toàn thực phẩm...

Giám đốc ITPC Trần Phú Lữ cho biết năm 2024, ITPC thực hiện các hoạt động mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Trong đó, sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của xuất khẩu vào một số thị trường nhất định nhằm hạn chế rủi ro trước những biến động của thị trường cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị khu vực và thế giới. Đồng thời củng cố vững chắc và từng bước mở rộng thị phần hàng hóa xuất khẩu của Thành phố tại các thị trường truyền thống bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc).

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo bước đột phá thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng như Úc, Canada, Ấn Độ, khu vực Trung Đông, Mỹ Latinh và Châu Phi; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Halal sang các thị trường người Hồi giáo.

Về định hướng mặt hàng trọng điểm trong xúc tiến thương mại, sẽ ưu tiên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại các mặt hàng sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng của Thành phố. Đặc biệt là các sản phẩm “xanh, tuần hoàn”. Cụ thể là sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; thiết bị điện; chế biến thực phẩm; đồ uống; thiết bị điện tử – công nghệ thông tin; sản phẩm từ cao su – plastic; sản phẩm phần mềm, sản phẩm nội dung số; nhóm hàng nông – lâm – thủy sản; nhóm hàng dệt may – da giày.

09185d3ab0f61aa843e7-5712.jpg
ITPC ký kết cùng các hiệp hội ngành nghề và cơ quan báo chí truyền thông về hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư năm 2024

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị ITPC trong thời gian tới tiếp tục quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư góp phần vào chuyển dịch kinh tế của TPHCM theo hướng xanh, bền vững. Đồng chí cũng lưu ý đến tính hiệu quả của các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; quan tâm đào tạo đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tại hội nghị, ITPC cũng ký kết ghi nhớ hợp tác với các hiệp hội ngành nghề và đơn vị truyền thông, báo chí trong công tác xúc tiến thương mại, đầu tư thời gian tới.

Về các hoạt động xúc tiến đầu tư, ITPC tập trung kêu gọi đầu tư từ Hoa Kỳ với các ngành vi mạch bán dẫn, khoa học - công nghệ, năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; Nhật Bản với phát triển hạ tầng giao thông, điện tử, công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo, y tế kỹ thuật cao; Hàn Quốc với phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị thông minh, sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, chất bán dẫn, năng lượng mới, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo; Singapore với kinh tế xanh, kinh tế số, công nghệ thông tin, năng lượng sạch và chuyển đổi năng lượng xanh, đổi mới sáng tạo, hạ tầng công nghiệp và đô thị, tài chính và bất động sản; Ấn Độ với ngành công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, y tế, dược phẩm, năng lượng tái tạo...

Tin cùng chuyên mục