Xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh thành miền Trung

Chiều 18-8, tại TP Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Trà Vinh và các tỉnh thành ĐBSCL tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh, thành phố miền Trung.
16 món ăn làm từ sen đã được Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp mang đến cho khách miền Trung nhân hội nghị xúc tiến du lịch. Ảnh: XUÂN QUỲNH
16 món ăn làm từ sen đã được Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp mang đến cho khách miền Trung nhân hội nghị xúc tiến du lịch. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Phát triển chưa tương xứng

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, ngành du lịch ĐBSCL từng bước được đầu tư phát triển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa giúp cho du khách có nhiều trải nghiệm và thể hiện trách nhiệm với thiên nhiên. Trong đó, loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, biển đảo, MICE, văn hóa - lịch sử, tâm linh, cộng đồng, nông nghiệp… là sản phẩm đặc trưng và thu hút khách du lịch của vùng. Cùng sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch ĐBSCL có những bước phát triển và phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19.

Các đại biểu xem video giới thiệu về các tỉnh thành ĐBSCL. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Các đại biểu xem video giới thiệu về các tỉnh thành ĐBSCL. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Năm 2022 du lịch ĐBSCL thu hút hơn 37 triệu lượt khách, doanh thu du lịch của vùng đạt hơn 32.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ĐBSCL đón gần 27 triệu lượt khách, tăng 133,6% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch hơn 28.000 tỷ đồng, tăng 191,4% so cùng kỳ.

Các tỉnh, thành ĐBSCL và miền Trung tiến hành ký kết hợp tác du lịch. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Các tỉnh, thành ĐBSCL và miền Trung tiến hành ký kết hợp tác du lịch. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tuy nhiên, ông Thiện cũng chỉ rõ các khó khăn, hạn chế, du lịch ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Lượng khách và doanh thu du lịch còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành phố cũng như các vùng miền trong cả nước. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế.

Hiện có 2 hãng hàng không cung cấp chặng bay Cần Thơ - Đà Nẵng mỗi ngày là Vietnam Airlines và Vietjet. Đây là điều kiện thuận lợi để du lịch ĐBSCL kết nối thị trường du lịch với các tỉnh, thành miền Trung.

Chuẩn hóa sản phẩm du lịch

Ông Đặng Như Đà Thành, Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang khảo sát các hành trình như Đà Nẵng - Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; Cần Thơ - Châu Đốc - Đồng Tháp - Mỹ Tho - TPHCM; Cần Thơ - Trà Vinh - Bến Tre - Mỹ Tho - TPHCM… mong muốn địa phương tạo ra sản phẩm đặc thù, không trùng lặp.

Bên cạnh đó, hạ tầng lưu trú ở khu vực này chưa phong phú, chưa có chất lượng cao đối với hạ tầng cấp 3-4 sao như An Giang, Châu Đốc… Bởi vậy, du khách chưa nán lại dài ngày hơn. Khi cải tạo cơ sở, điều này sẽ là lợi thế để du khách sử dụng dịch vụ, giúp tăng chi tiêu.

Ông Đặng Như Đà Thành, Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Đặng Như Đà Thành, Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tương tự, theo ông Trần Tuấn, đại diện Vitraco cho biết, trong chương trình tour nên đưa vào những chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc địa phương như điệu múa Khmer trong khai mạc… Du khách cũng sẽ có những ấn tượng về địa phương hơn là việc đi dạo, ngắm cảnh sông nước. Không chỉ vậy, các địa phương nên chuẩn hóa các sản phẩm để du khách có thể làm quà mang về như việc rà soát đưa vào siêu thị, truy xuất nguồn gốc...

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, du khách có xu hướng trải nghiệm trong hành trình du lịch của mình, tức là họ sẽ tham gia vào các hoạt động của địa phương. Và sản phẩm du lịch sự kiện là sản phẩm du lịch linh hoạt nhất.

Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Bình cũng đề xuất ở các địa phương ở ĐBSCL nên tổ chức sự kiện mang đặc trưng riêng. Để tạo sự phong phú, mỗi địa phương chọn một tháng để tổ chức không chỉ để du khách tiện đến vui chơi, tham gia mà còn để ngành du lịch của các địa phương còn lại có thể hỗ trợ.

“Năm đầu tiên, Đà Nẵng tổ chức là cuộc thi pháo hoa quốc tế nhưng đến nay hoạt động này đã trở thành lễ hội pháo hoa Quốc tế - sự kiện “đinh” trong mùa hè vừa rồi”, ông Bình nhìn nhận.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá, cả nước đang nỗ lực phục hồi du lịch, trong đó ĐBSCL đã và đang tìm được hướng đi rất phù hợp. Thời gian tới, ông Hà Văn Siêu đề nghị, các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương tại ĐBSCL và miền Trung tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đặc biệt là 7 nhóm giải pháp để đẩy mạnh phục hồi du lịch gồm: Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, bền vững; tăng cường thu hút khách quốc tế; đẩy mạnh đầu tư vào các trọng điểm du lịch, các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, xúc tiến quảng bá du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực; chuyển đổi số. Ông Hà Văn Siêu còn đề nghị các doanh nghiệp du lịch phải xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có và khai thác được lợi thế vùng miền.

“Đối với công tác xúc tiến quảng bá, tôi đề nghị phải xây dựng được nội dung xúc tiến quảng bá; cần tạo ra các sự kiện; cùng Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia tham gia các sự kiện lớn của cả nước và nước ngoài…”, ông Hà Văn Siêu đề nghị.

Tin cùng chuyên mục