Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không tiếp tục theo dõi, nghiên cứu thị trường để mở các đường bay quốc tế, nội địa mới đi, đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; thực hiện có hiệu quả kết nối hàng không và du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, Cục Hàng không Việt Nam cần khuyến khích các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục có chính sách ưu đãi giá trên các đường bay khai thác đi, đến Cần Thơ; xem xét ưu tiên xác nhận giờ hạ cất cánh cho các chuyến bay đi, đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ theo đúng quy định.
Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ VH-TT-DL, UBND TP Cần Thơ và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp trong ngành hàng không và các cơ quan, đơn vị có liên quan khác tổ chức hội thảo quảng bá du lịch, điểm đến Cần Thơ trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm chủ động làm việc trực tiếp với các hãng hàng không quốc tế để giới thiệu, định hướng để các hãng mở rộng mạng đường bay đến Việt Nam, trong đó có điểm đến là Cần Thơ; nghiên cứu xây dựng đề án tăng cường khai thác các chuyến bay đi, đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, báo cáo Bộ GTVT trong tháng 6-2022.
Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Bộ GTVT yêu cầu nghiên cứu sớm đưa Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đảm bảo khai thác 24/7 để có thể tiếp nhận các chuyến bay quốc tế trong khung giờ tối.
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hiện có 3 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways khai thác 7 đường bay từ Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Phú Quốc và Côn Đảo đi, đến Cần Thơ với tần suất là 125 chuyến bay/tuần (từ 16-18 chuyến bay/ngày).
Đối với hoạt động quốc tế, các hãng hàng không Thai AirAsia (Thái Lan) và AirAsia (Malaysia) mong muốn khai thác trở lại các đường bay từ Kuala Lumpur, Bangkok đi/đến Cần Thơ thông qua việc xin lại slot (giờ cất hạ, cánh) trong lịch bay mùa hè 2022.