Xúc tiến kết nối cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Ngày 28-8, tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ 2024 do UBND TPHCM chủ trì, đã có hơn 300 nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đưa ra nhằm tìm kiếm nhà cung ứng trong nước. Phía DN trong nước có 130 đơn vị tham dự và sẵn sàng đáp ứng đơn hàng.

Trực tiếp kết nối cung - cầu

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM (Sở Công thương), cho biết, ban tổ chức hội nghị đã nhận được 300 đăng ký kết nối của 20 DN FDI với 130 DN sản xuất sản phẩm CNHT trong nước. Các chuỗi cung ứng chủ yếu đến từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo bà Duy Oanh, tại các hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT lần trước, đã có hơn 1.800 cuộc kết nối trực tiếp và rất nhiều DN Việt Nam đã gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của DN FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối. Tuy nhiên, điểm mới của hội nghị kết nối lần này là các DN FDI tìm kiếm nhiều nhóm sản phẩm CNHT của các ngành công nghệ mới nổi như công nghiệp vi mạch bán dẫn, hàng không vũ trụ, ngành công nghiệp y tế...

Ông Nguyễn Bá Tín, Giám đốc Công ty TNHH Nextern Việt Nam, cho biết, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp cung ứng tại Việt Nam rất lớn. Đơn cử, Tập đoàn Nextern có 5 công ty và 3 trung tâm nghiên cứu sản phẩm tại Mỹ, Hồng Công (Trung Quốc) và Việt Nam. Sau 5 năm có mặt tại Việt Nam, công ty đã đạt tỷ lệ nội địa hóa thu mua gần như 100% toàn bộ sản phẩm vật tư thông dụng như chi tiết ép nhựa, cao su, gia công kim loại, đúc kim loại, lò xo… Riêng những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp hơn như màn hình tinh thể lỏng, pin lithium, robot, trang thiết bị hỗ trợ điều trị y tế, chăm sóc gia đình, sản phẩm liên quan đến kim loại quý…, vẫn phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Tương tự, theo ông Paul Trần, Tổng giám đốc Công ty TNHH Meggit Việt Nam, nhóm sản phẩm của công ty cần cung ứng là những sản phẩm phục vụ ngành hàng không. Đây là nhóm sản phẩm đòi hỏi chất lượng kỹ thuật cao, không cho phép sai sót nên khá khó với DN Việt Nam vốn chưa quen tham gia cung ứng những nhóm sản phẩm này. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và kết nối giao thương thường xuyên sẽ cho phép các DN trong nước tiếp cận, từng bước tìm hiểu và sản xuất sản phẩm phù hợp.

Thực tế, qua các hội nghị kết nối, các nhà máy sản xuất sản phẩm CNHT của Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận, giới thiệu năng lực và tham gia vào chuỗi cung ứng. Ở chiều ngược lại, các DN FDI và DN sản xuất công nghiệp lớn cũng đã gia tăng tỷ lệ cung ứng sản phẩm nội địa của mình, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng chịu nhiều tác động bởi xu hướng thay đổi toàn cầu, đòi hỏi các DN phải đa dạng nguồn cung ứng, ưu tiên nguồn cung ứng tại chỗ.

Từ những năm 2000, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đã bắt đầu có những bước tiến quan trọng. Sự đầu tư chiến lược của Intel vào Khu công nghệ cao TPHCM năm 2006 đánh dấu bước ngoặt đưa Việt Nam lên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Đến năm 2021, sự gia tăng vốn đầu tư của Intel lên 475 triệu USD đã khẳng định vai trò của Việt Nam như một bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

kinhte.jpg
Các đối tác nhập khẩu là doanh nghiệp FDI trao đổi với DN Việt Nam nhằm tìm kiếm sản phẩm cung ứng phù hợp

Gia nhập sâu hơn

Theo ông Nguyễn Bá Tín, để gia nhập vào chuỗi cung ứng của tập đoàn, nhất là chuỗi cung ứng thiết bị y tế, đòi hỏi DN phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe như: phải đạt tiêu chuẩn kiểm tra chức năng sản phẩm, chất lượng sản phẩm, kiểm tra lâm sàng. Nhiều DN Việt Nam chưa có kinh nghiệm sản xuất sản phẩm kỹ thuật cao, chưa sản xuất được sản phẩm lõi, nên giá trị gia tăng không cao, khó gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, theo ông Paul Trần, DN cần hiểu rõ tiêu chuẩn về ngành mà mình đang muốn sản xuất cung ứng; xem xét trang thiết bị, công nghệ sản xuất có phù hợp và phải chứng minh đạt tiêu chuẩn với đối tác...

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện đang diễn ra xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu, trong đó Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn. Việt Nam có lợi thế nhiều nhờ chi phí lao động cạnh tranh, các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, tình hình chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi… Ngược lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức như cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, cần có sự nhập cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương, các cấp, ngành, cùng với nỗ lực của DN để hoàn thiện năng lực cung ứng, tiếp cận sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các đối tác nhập khẩu là doanh nghiệp FDI trao đổi với DN Việt Nam nhằm tìm kiếm sản phẩm cung ứng phù hợp

Phó Chủ tịch UBND TPHCM VÕ VĂN HOAN: Cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt xu hướng thị trường Những năm gần đây, thành phố đã tạo điều kiện cho DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn liên kết cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị sản xuất và từng bước hiện đại hóa sản xuất trong nước. Từ đó, tiến tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng hành cùng các DN trong quá trình đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất. Định kỳ hàng năm, thông qua “Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT”, các DN có dịp cọ xát thực tế, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động kết nối giữa các DN sản xuất CNHT Việt Nam với các DN FDI, DN sản xuất công nghiệp đầu cuối. Các DN sản xuất trong nước cũng đã nắm bắt các cơ hội thị trường, tiếp cận và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM NGUYỄN NGỌC HÒA: Doanh nghiệp đầu tư đổi mới, chuyển sang sản xuất thông minh Chuyển đổi kép bao gồm chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ giúp DN bắt kịp xu hướng phát triển mới. Tuy nhiên, để có thể thực hiện vấn đề này, cần thiết phải có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, các DN lớn về công nghệ thông tin, khoa học để hậu thuẫn, hỗ trợ. Từ phía DN, cần thiết phải hình thành các nhà máy thông minh, phù hợp với xu hướng cạnh tranh hiện nay.

Thành phố đang tập trung phát triển ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, liên kết vùng, chuyển đổi sản xuất theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng xanh, sạch, hướng tới phát triển bền vững; thúc đẩy những chính sách thu hút đầu tư mới, hướng tới khuyến khích DN chuyển đổi từ mô hình nhà máy sản xuất truyền thống sang nhà máy thông minh. Đồng thời, thành phố đã có chính sách hỗ trợ lãi vay lên đến 100% và mức vốn hỗ trợ lên đến 200 tỷ đồng. Đây là cơ hội để DN đầu tư đổi mới, chuyển sang sản xuất thông minh nhằm bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế hiện nay.

Tin cùng chuyên mục