Ngày 21-10, tại Đường sách TPHCM, Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam đã tổ chức chương trình giao lưu, giới thiệu sách của hai tác giả Trần Tố Nga và Nguyễn Văn Thỏa. Chương trình để lại nhiều xúc động khi là cuộc hội ngộ của những người lính, cán bộ Đoàn năm xưa.
Bà Trần Tố Nga là tác giả của ấn phẩm Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt (NXB Trẻ), còn ông Nguyễn Văn Thỏa là tác giả của Cảm ơn cuộc đời (NXB Hội Nhà văn). Đây là hai cuốn tự truyện của hai cựu cán bộ Đoàn là thành viên Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam. Cả hai kể về cuộc đời của mình kể từ khi tham gia hoạt động trong kháng chiến chống Mỹ cho đến sau ngày đất nước hòa bình vẫn luôn giữ ngọn lửa của người cán bộ Đoàn năm xưa, tiếp tục tham gia những hoạt động gắn bó với Đoàn và cộng đồng để truyền tiếp lửa cho thế hệ trẻ hôm nay và cống hiến cho đất nước.
Trong đó, bà Trần Tố Nga là cái tên quen thuộc không chỉ với người dân Việt Nam mà cả với công luận quốc tế. Bởi bà chính là người đứng đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ gây đau thương, mất mát cho hàng triệu gia đình nạn nhân chất độc da cam.
TS Quách Thu Nguyệt trong vai trò dẫn dắt chương trình cùng với hai tác giả: Trần Tố Nga và Nguyễn Văn Thỏa Ra mắt vào năm 2017, mới đây cuốn sách Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt vừa tiếp tục được tái bán, đánh dấu lần in thứ 5 của tác phẩm này. Sách không chỉ là câu chuyện riêng của tác giả Trần Tố Nga mà là câu chuyện của cả một dân tộc Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến. Ấn phẩm Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt còn chứa đựng trong đó những nỗi niềm của tác giả gửi đến bạn trẻ ngày nay.
Tác giả Trần Tố Nga bộc bạch: “Tôi thấy rằng, lịch sử của gia đình tôi với lịch sử của đất nước gần như là đi song song. Và tôi rất muốn để lại một cái gì đó. Viết cuốn sách này, một trong những mong muốn của tôi là để các bạn trẻ ngày nay không quên quá khứ”.
"Đường trần - Ngọn lửa không bao giờ tắt" vừa được NXB Trẻ tái bản, đánh dấu lần in thứ 5 của tác phẩm Cùng thế hệ với bà Trần Tố Nga, ông Nguyễn Văn Thỏa (sinh năm 1946), tham gia cách mạng từ năm 1965, từng là Đội trưởng Đội Biệt động Bà Rá, Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Sông Bé, Phó Chủ tịch tỉnh Sông Bé (nay tách thành hai tỉnh Bình Phước và Bình Dương). Ban đầu, ông không có ý định viết sách, nhưng được sự động viên của bạn bè, người thân, ông đã quyết định ghi lại cuộc đời mình trong cuốn tự truyện Cảm ơn cuộc đời, chỉ với một mong muốn “để lại đôi điều cho con cháu khi mình khuất núi”. Theo ông, đây là cách truyền động lực, niềm tin, giúp con cháu hiểu biết thêm về cội nguồn tổ tiên ông bà cha mẹ. Đó cũng là cách giúp con cháu nên người, thường xuyên nghĩ đến những việc có ích cho xã hội.
Là người bạn thân thiết với bà Trần Tố Nga, NSƯT Lê Thiện đến chia vui cùng tác giả Sách là câu chuyện về cuộc đời của chính ông Nguyễn Văn Thỏa, với những niềm vui cũng như những gian truân mà ông đã trải qua, những ký ức về các trận chiến của ông cùng đồng đội, ở giữa ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết; ghi lại những công việc ông từng tham gia qua các thời kỳ, những quan niệm sống và những điều răn dạy dành cho cháu con.
Ngoài ra mắt sách, chương trình còn là cuộc hội ngộ của những người lính, cán bộ Đoàn năm xưa. Họ gặp nhau, cùng ôn lại những năm tháng khó khăn, nguy hiểm nhưng cũng đầy hào hùng. Đặc biệt, với tâm nguyện mang đến cho các em nhỏ tương lai tốt đẹp hơn, Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam đã chính thức ra mắt chương trình “Thắp sáng ước mơ”.
Các thành viên của Ban Liên lạc cựu cán bộ đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam trong lễ ra mắt chương trình "Thắp sáng ước mơ" Trong vai trò dẫn dắt chương trình, TS Quách Thu Nguyệt, Phó ban Ban Liên lạc cựu cán bộ đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam cho biết, mặc dù hôm nay mới ra mắt chính thức nhưng trước đó, chương trình “Thắp sáng ước mơ” đã âm thầm hoạt động. Các thành viên và những nhà hảo tâm đã cùng chung tay giúp đỡ, chăm sóc các em nhỏ, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi bố mẹ trong đợt dịch Covid-19, về máy móc thiết bị, máy tính bảng, học bổng… với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, chương trình cũng đã thực hiện được hơn 40 hoạt động về văn hóa đọc.
HỒ SƠN