Xúc động trước những kỷ vật của liệt sĩ Gạc Ma

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2025), khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, nơi lưu giữ những kỷ vật của 64 liệt sĩ đón dòng người thăm viếng.

dasua-08839-9205-1929.jpg

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tọa lạc tại xã Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, hiện trưng bày 156 tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa, về biển đảo Việt Nam và chiến sĩ Gạc Ma.

Trong đó, 31 kỷ vật của chiến sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma được các gia đình liệt sĩ trao tặng, Ban quản lý đã hệ thống hóa toàn bộ, đánh số hiệu để người dân dễ dàng tham quan.

dasua-02755.jpg
Lá thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương viết ngày 6-3-1988 tại Cam Ranh, trước khi ông xuống tàu đi Gạc Ma

Trong bức thư, ông chúc gia đình luôn mạnh khỏe "... Gia đình cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi nhiều cho con và con ra đi sẽ không hẹn ngày về. Bao giờ về là về thôi...". Hơn 1 tuần sau khi viết bức thư này, Thiếu úy Nguyễn Văn Phương hy sinh.

dasua-02757.jpg
Tấm yếm áo quân phục Hải quân và huy chương chiến công của liệt sĩ Lê Văn Xanh được gia đình trao tặng trưng bày tại khu tưởng niệm
dasua-00446.jpg
Giấy báo tử của liệt sĩ Cao Xuân Minh; Thẻ đoàn viên của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông; Bằng Tốt nghiệp trường sĩ quan CH KT Hải quân ngày 20-7-1984 của liệt sĩ Vũ Văn Thắng
dasua-00430.jpg

Khu tưởng niệm còn lưu giữ nhiều kỷ vật khác như ảnh đám cưới của Thiếu uý Đinh Ngọc Doanh cùng vợ là Đỗ Thị Hà tại Cam Ranh vào năm 1986. Thiếu uý Doanh sinh năm 1964, quê ở Hoa Lư, Ninh Bình, là Phó đảo Gạc Ma - Lữ đoàn 146.

Hai năm sau ngày cưới, ông ra Trường Sa làm nhiệm vụ và hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở Gạc Ma ngày 14-3-1988. Lúc ấy, con gái đầu lòng của ông mới 13 tháng tuổi.

dasua-08802.jpg
Cờ Tổ quốc mà Anh hùng LLVTND Trần Văn Phương và đồng đội đã anh dũng hy sinh bảo vệ trong sự kiện ngày 14-3-1988. Nay hiện vật gốc đang trưng bày tại Nhà truyền thống Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân

Tủ cũng trưng bày các hiện vật được trục vớt từ tàu HQ-604, một phần trong sự kiện Gạc Ma. Các hiện vật gồm quần, thắt lưng, dép nhựa, túi vải, chén ăn cơm, mặt nạ, lưỡi cuốc chim,... đều là những đồ vật thuộc về các chiến sĩ trên tàu đã hy sinh.

dasua-02776.jpg
dasua-02741-303-3949.jpg
Chiếc balo, khăn len, mũ cối cùng một số kỷ vật khác của các liệt sĩ Gạc Ma được trưng bày tại khu tưởng niệm
dasua-08813.jpg

Không gian bảo tàng ngầm ở khu tưởng niệm, nơi lưu giữ kỷ vật của các anh hùng liệt sĩ; đồng thời trưng bày nhiều tư liệu gồm thư tịch, bản đồ cổ, hình ảnh... về lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

dasua-0027.jpg

Ngoài bảo tàng lưu giữ hiện vật, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma còn có cụm tượng đài, các hạng mục khuôn viên cây xanh và nhiều không gian khác.

Đây là một trong những địa chỉ đỏ được nhiều cơ quan, đơn vị, trường học chọn làm địa điểm về nguồn, giáo dục về chủ quyền biển, đảo và tình yêu quê hương, đất nước.

dasua-0045.jpg

Công trình này được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khởi công xây dựng vào ngày 13-3-2015 và đi vào hoạt động năm 2017, có diện tích hơn 2,5ha, từ kinh phí đóng góp của đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài nước.

Sau 8 năm khánh thành, trên 3.000 đoàn với hơn 607.000 lượt người đến khu tưởng niệm dâng hương, tổ chức kết nạp Đảng viên mới, kết nạp đoàn viên, sinh hoạt về nguồn. Tính riêng từ đầu năm 2025 đến nay, khu tưởng niệm đã đón trên 400 đoàn với khoảng 25.000 lượt khách đến thăm viếng.

dasua-01277.jpg
Lưu bút của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, ngày 12-3-2022

Trong sổ lưu niệm, Thủ tướng viết: "Đây là những tấm gương đã anh dũng quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những tấm gương chói sáng ấy luôn là minh chứng của chủ nghĩa Anh hùng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam...".

Cách đây 37 năm, ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông. Máu các anh hòa cùng biển cả, tạo thành một tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tình yêu biển đảo Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục