Lễ tang nhạc sĩ Phú Quang diễn ra sáng sớm 13-12, tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và nhiều người yêu mến nhạc sĩ Phú Quang tề tựu trong cuộc hội ngộ đầy nỗi nhớ, tiếc thương để tiễn đưa người nghệ sĩ Hà Nội phố về miền xanh thẳm. Sáng nay, Hà Nội lại lạnh thêm một chút nữa.
Lễ viếng chính thức cử hành lúc 7 giờ trong tiếng nhạc du dương. Âm nhạc Phú Quang (Bâng quơ, Khúc mùa thu, Mùa thu giấu em...) qua giọng hát Ngọc Anh thay nhạc Hồn tử sĩ tiễn biệt. Gia đình cũng chọn một số ca khúc nổi bật trong sự nghiệp âm nhạc của Phú Quang, qua những giọng ca từng thành công hát nhạc của ông.
Theo nguyện vọng của gia đình nhạc sĩ Phú Quang, lễ tang được tổ chức ấm cúng, giản dị. Vì sự căng thẳng của dịch bệnh, người đến viếng mang theo khẩu trang, nước rửa tay và giữ khoảng cách an toàn, đảm bảo vệ sinh dịch tễ khi tham gia chương trình tang lễ.
Rất đông bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến Phú Quang, yêu mến nhạc của ông đã tới tiễn biệt nhạc sĩ.
Người nhạc sĩ ấy đã không còn nữa, nhưng những tác phẩm của ông sẽ mãi mãi để lại trong lòng đồng nghiệp, khán thính giả yêu âm nhạc của ông. Ảnh: NGUYỄN HÒA
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đọc điếu văn, thuật lại cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, luôn một lòng cống hiến cho nghệ thuật: "Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Phú Quang là tác giả của hàng trăm ca khúc, phần lớn trong đó là ca khúc về Hà Nội. Ông xứng đáng là 1 tượng đài bất hủ với những bài hát khắc khoải, chứa đựng cả hồn cốt của mảnh đất này. Có thể kể đến một vài tác phẩm nổi tiếng như "Hà Nội ngày trở về", "Em ơi Hà Nội phố", "Chiều phủ Tây Hồ"...”.
Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam cho rằng nếu như nói nhạc sĩ Phú Quang chỉ thành công ở mặt tình ca thì thật thiếu sót. Nhạc sĩ Phú Quang còn là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc, hòa tấu dàn nhạc giao hưởng như "Hồi ức", "Khát vọng", "Chuyện kể về tình yêu", "Tình yêu của biển"... Một số tác phẩm hòa tấu của ông được dùng để làm nhạc nền, nhạc hiệu của VOV trong rất nhiều năm và cho đến ngày nay. Âm nhạc của ông góp phần vào sự thành công của nhiều phim điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam như "Bao giờ cho đến tháng 10", "Vị đắng tình yêu"... Ngoài ra ông còn là tác giả của nhiều vở nhạc kịch, kịch múa, kịch hát.
Nhạc sĩ Phú Quang cũng là người tiên phong đưa tác phẩm của mình đến với khán giả bằng con đường ngắn nhất. Ngay từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, ông đã tổ chức những liveshow đầu tiên của mình tại Nhà hát Lớn TP.HCM rồi tiếp đến là Hà Nội... Những đêm nhạc Phú Quang đã quen thuộc đến mức hàng năm, khi Hà Nội chớm mùa đông hay vào xuân là khán giả lại trông ngóng lại chờ đợi đêm nhạc Phú Quang. Trong những đêm nhạc ấy, ông là người khó tính đến mức phải tự chọn ca sĩ mà ông cho là phù hợp với ca khúc của mình, chọn dàn nhạc chất lượng cao. Ông tự đứng vào vị trí chỉ huy dàn nhạc, tự lên sân khấu đệm đàn cho ca sĩ và giao lưu với khán giả. Thậm chí đôi khi ông còn đi đến góc khuất của khán đài để tự mình cảm nhận chân thực nhất âm nhạc đã mang đến cảm xúc gì cho công chúng....
Rất đông bạn bè, người thân đến tiễn biệt Phú Quang- người nhạc sĩ của Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN HÒA
Như trong 1 ca khúc của mình, nhạc sĩ Phú Quang từng viết: "Rồi một ngày chiếc lá sẽ rơi về nơi cuối cùng". Ngày hôm nay, tim người nhạc sĩ ấy đã không còn đập nữa, nhưng những tác phẩm của ông sẽ mãi mãi để lại trong lòng đồng nghiệp, khán thính giả yêu âm nhạc của ông".
Lễ an táng được tổ chức từ 15 giờ đến 17 giờ cùng ngày tại công viên tưởng niệm Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.