Đánh dấu cột mốc trưởng thành
Sáng 28-5, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) tổ chức lễ tri ân và trưởng thành cho 323 học sinh khối lớp 5 niên khóa 2019-2024. Cô Lê Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, cho biết, đây là lứa học sinh đã trải qua giai đoạn học tập trực tuyến đầy thử thách do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của chính các em cùng sự chung tay phối hợp giữa nhà trường và gia đình, các em đã hoàn thành 5 năm tiểu học với nhiều thành quả đáng khích lệ. Ngồi ở hàng ghế phụ huynh, khi thấy con trong bộ lễ phục tốt nghiệp, chị Nguyễn Thị Thảo Uyên, phụ huynh em Nguyễn Trúc Lâm (học sinh lớp 5T3), không giấu được xúc động.
“Tôi nhận được món quà vô giá là lời cảm ơn của con sau hành trình 5 năm hai mẹ con đồng hành. Đây là cột mốc khép lại một chặng đường đã qua, đồng thời mở ra hành trình mới trên bước đường con khôn lớn, trưởng thành”, chị Thảo Uyên bày tỏ.
Cùng chung niềm hạnh phúc đó, anh Văn Trí Quân, phụ huynh em Văn Minh Phúc, học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (quận 1), chia sẻ, ở mỗi bậc học, các con không chỉ được dạy về tri thức mà còn được rèn về kỹ năng sống, biết lễ phép, yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh. Đó là phần thưởng vô giá cho những hy sinh, tận tụy của các thầy, cô giáo, đồng thời gửi gắm theo biết bao ước mơ, hoài bão của ba mẹ.
Ở bậc học cao hơn, lễ trưởng thành trở thành một ngày hội đáng nhớ, nơi học sinh được là chính mình, thoải mái bày tỏ những tâm tư, tình cảm khi khép lại một chặng đường học tập. Nguyễn Hoàng Bảo Anh, học sinh lớp 12A12, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), cho biết, em và các bạn trong đội văn nghệ quyết định đặt tên cho tiết mục trình diễn trong lễ tri ân và trưởng thành dành cho chính mình là “Sân khấu cuối cùng”.
Vào khoảnh khắc chuẩn bị chia tay trường lớp, bạn nào cũng rưng rưng xúc động, bởi xen lẫn niềm tự hào được thầy cô và ba mẹ ghi nhận sự trưởng thành thì các bạn cũng hiểu được ý thức trách nhiệm, phải nỗ lực nhiều hơn trên những hành trình tiếp theo.
Với Nguyễn Đoàn Ngọc Phúc, học sinh lớp 12D2, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), khoảnh khắc hơn 800 học sinh lớp 12 chuyền tay nhau chiếc huyền trượng trong lễ tri ân và trưởng thành năm nay mang đến cho em nhiều cảm xúc đặc biệt. “Đó là lời nhắn chúng em muốn gửi đến các thế hệ học sinh đi sau tiếp tục giữ vững truyền thống của ngôi trường, viết tiếp những hoài bão để ghi dấu một thời tuổi trẻ đã học tập và vui chơi hết mình”, Ngọc Phúc tâm sự.
Hướng đến mục tiêu giáo dục học sinh
Tại lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh khối 12 năm nay, thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa
(quận 1), cho biết, trước mắt các em học sinh là một chặng đường học tập mới với nhiều thử thách. “Thầy mong các em hãy có niềm tin vào chính mình, vì niềm tin sẽ biến cái không thể thành có thể. Ngoài ra, mỗi học sinh hãy tìm ra sự khác biệt của bản thân để nuôi dưỡng và phát triển, tập giải quyết các vấn đề phức tạp trong cuộc sống, đừng vội vàng tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân hay sợ hãi khi phải bắt đầu lại từ đầu vì đó là cơ hội để các em xây dựng những điều tuyệt vời hơn”, thầy Nguyễn Minh nhắn gửi.
Ở góc độ khác, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) Đỗ Ngọc Chi cho rằng, mỗi học sinh là một “ban mai rực rỡ” tỏa sáng theo cách của riêng mình. Vì vậy, đừng bao giờ từ bỏ mà hãy luôn tự tin bước về phía trước bằng sự kiên trì và một trái tim tràn đầy yêu thương, trở thành niềm tự hào của ba mẹ và thầy cô.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng, lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh các lớp cuối cấp là hoạt động hướng đến mục tiêu giáo dục học sinh lòng biết ơn, ghi nhớ công lao nuôi dạy của ông bà, cha mẹ, thầy cô đối với sự trưởng thành về mặt tri thức và nhân cách của các em. Song song đó, hoạt động cũng nhằm tạo thêm kỷ niệm đẹp cho học sinh trước khi kết thúc năm học, qua đó tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của các em.
Năm nay, các trường học đã lồng ghép nhiều hoạt động sáng tạo, như tổ chức trò chơi tập thể, hoạt động giao lưu giữa học sinh các khối lớp, lễ hội té nước, đêm lửa trại… nhằm tạo không khí vui tươi, ấm áp, giúp học sinh thoải mái chia sẻ tâm tư, tình cảm với thầy cô, bạn bè và mái trường. “Đây là một trong những hoạt động thường niên, góp phần định hình văn hóa truyền thống của nhà trường, do đó không được phô trương, hình thức, gây tốn kém mà phải đem lại hiệu quả giáo dục thực chất cho học sinh”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh.