Xúc động buổi lễ giao lưu 75 giáo viên nhận Giải thưởng Võ Trường Toản
SGGPO
“Chất lượng giáo dục không chỉ đo đếm qua kết quả các kỳ thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp THPT mà đạt được từ niềm vui, sự yêu thích đến trường của trẻ từ bậc mầm non, tiểu học đến THCS, THPT. Mỗi bậc học đều có khó khăn, vất vả nhưng các thầy, cô đã chung tay gieo trồng nên những thế hệ học sinh có đầy đủ đức, trí, tài”, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.
>>> Clip chương trình giao lưu nhà giáo nhận Giải thưởng Võ Trường Toản vào sáng 18-11:
Sáng 18-11, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức chương trình giao lưu gặp gỡ 25 nhà giáo tiêu biểu của chặng đường 25 năm Giải thưởng Võ Trường Toản và 50 nhà giáo nhận Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022.
Phát biểu tại buổi giao lưu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, ngày này cách đây một năm, tại buổi giao lưu với 50 nhà giáo nhận Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 24 năm 2021, những giọt nước mắt đã rơi khi các thầy, cô dành sự tưởng nhớ, tri ân các đồng nghiệp đã mất vì dịch Covid-19.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi giao lưu. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Năm nay, giải thưởng được trao trong bối cảnh dịch bệnh đã đi qua, niềm vui tri ân trọn vẹn hơn. Giải thưởng là một trong những chiếc cầu nối giúp xã hội tôn vinh, ghi nhận công lao đóng góp của các thầy, cô giáo, qua đó tiếp nối truyền thống "tôn sư trọng đạo" ngàn đời của dân tộc.
Chia sẻ cảm xúc tại buổi giao lưu, cô Nguyễn Duy Anh Tâm, giáo viên Trường Mầm non Tân Kiểng (quận 7) cho biết, bản thân cô rất tự hào khi nhìn lại chặng đường 16 năm đã đi qua. Với cô giáo trẻ, mỗi năm học là một nấc thang mới trên hành trình tận tâm và cống hiến.
Cô Nguyễn Duy Anh Tâm, giáo viên Trường Mầm non Tân Kiểng (quận 7) chia sẻ cảm xúc tại buổi giao lưu. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Gửi lời nhắn đến các đồng nghiệp trẻ, cô Anh Tâm mong muốn tình yêu nghề, yêu trẻ sẽ là sợi dây gắn kết giúp các thầy, cô tiếp tục “cháy” hết mình với hành trình đang theo đuổi, sẵn sàng dìu dắt, nuôi dạy các thế hệ học sinh khôn lớn, trưởng thành.
Cùng với niềm hân hoan đó, với cô Đặng Thị Lệ Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Bình Minh (quận Tân Phú), hành trình đến với nghề giáo của cô khá đặc biệt. Xuất thân là một bảo mẫu, hỗ trợ giáo viên trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, qua 22 năm gắn bó, cô trở thành giáo viên, rồi cán bộ quản lý nhưng vẫn luôn đồng hành với những trẻ em kém may mắn.
Cô Đặng Thị Lệ Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Bình Minh (quận Tân Phú) chia sẻ cảm xúc tại buổi giao lưu. Ảnh: HOÀNG HÙNG
“Các con sinh ra đã không may mắn như bạn bè đồng trang lứa. Vì vậy, tôi thấy mình phải có trách nhiệm, giúp các con có cơ hội hòa nhập, được giao tiếp với cộng đồng, bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nuôi dạy trẻ bình thường đã vất vả, với trẻ khuyết tật thì vất vả càng cao hơn nhưng khi yêu thương được trao đi, tôi tin người thầy sẽ nhận lại trái ngọt”, cô Lệ Hằng trải lòng.
Các thầy, cô tham gia buổi giao lưu. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ở góc độ khác, Nhà giáo Ưu tú Bùi Trí Hiệp, một trong những nhà giáo từng nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018 cho biết, không chỉ 50 cán bộ quản lý, giáo viên nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay mà tất cả các thầy, cô giáo, đội ngũ giáo viên, nhân viên trong toàn ngành đều cần được vinh danh.
“Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu nhập cho giáo viên nhưng để các thầy, cô tiếp tục an tâm công tác, thực hiện sứ mệnh “trồng người” thiêng liêng thì cần thêm nhiều sự quan tâm của xã hội. Trường học thành công là một ngôi trường hạnh phúc, ở đó năng lượng tích cực được lan tỏa cho tất cả giáo viên, học sinh, đội ngũ cán bộ, nhân viên trong toàn trường”, Nhà giáo Ưu tú Bùi Trí Hiệp bày tỏ.
Chương trình giao lưu gặp gỡ các nhà giáo nhận Giải thưởng Võ Trường Toản. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ghi nhận đề xuất đó, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, bên cạnh đội ngũ giáo viên, trường học còn có các nhân viên thầm lặng làm công tác hỗ trợ phía sau như bảo vệ, nhân viên văn phòng, thư viện, y tế… Tất cả đều cùng góp sức để tạo ra môi trường học tập an toàn, giáo dục nhiều thế hệ học sinh.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM mong muốn các công đoàn trường học quan tâm, có nhiều hình thức động viên kịp thời, đúng người với tất cả thành viên trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
“Chất lượng giáo dục không chỉ đo đếm qua kết quả các kỳ thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp THPT mà đạt được từ niềm vui, sự yêu thích đến trường của trẻ từ bậc mầm non, tiểu học đến THCS, THPT. Mỗi bậc học đều có khó khăn, vất vả nhưng các thầy, cô đã chung tay gieo trồng nên những thế hệ học sinh có đầy đủ đức, trí, tài”, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.
Để đạt được thành công đó, theo cô Nguyễn Thái Xuân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, hành trang làm nghề không chỉ có nỗ lực của bản thân mà còn có đóng góp của người thân, gia đình, đồng nghiệp và cả học sinh, phụ huynh.
Cô Nguyễn Thái Xuân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đồng tình với quan điểm người thầy không thể thành công trong công tác giảng dạy nếu không có sự đồng hành, hỗ trợ của học trò, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) Lê Duy Tân cho rằng, mục đích cuối cùng của dạy học là giúp học sinh trưởng thành, tự đi được trên chính đôi chân của mình.
Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) Lê Duy Tân phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Để tạo niềm vui trong học tập, thầy cô và học trò cùng lan tỏa năng lượng tích cực, giúp trường học trở thành ngôi trường hạnh phúc, học sinh được truyền năng lượng sống tích cực, giàu tình yêu thương.
Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh phát biểu tại buổi giao lưu. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cũng tại buổi giao lưu, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh bày tỏ: “Giải thưởng đã đi qua chặng đường 25 năm, một phần tư thế kỷ, đã tôn vinh rất nhiều gương cán bộ quản lý, giáo viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Từ sự tôn vinh, giải thưởng trở thành phong trào thi đua trong toàn ngành, được xã hội công nhận, góp phần động viên, tiếp sức cho các thầy, cô tiếp tục cống hiến với nghề”.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu trao hoa và quà lưu niệm cho các giáo viên. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Ngọc Anh trao hoa và quà lưu niệm cho các giáo viên. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Xuất phát từ sáng kiến của Báo SGGP, giải thưởng được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1998, tuyên dương 15 giáo viên đến từ các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thành phố.
Từ năm 1999, giải thưởng mở rộng thêm khối mầm non, giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên. Từ năm 2015, giải thưởng tôn vinh thêm các nhà giáo là cán bộ quản lý giáo dục ở cấp cơ sở.
Qua 25 mùa giải tổ chức, đã có 826 cán bộ quản lý, giáo viên được xét chọn Giải thưởng Võ Trường Toản. Đây là những thầy, cô giáo tiêu biểu, đại diện cho hàng trăm ngàn tấm gương nhà giáo tận tâm, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.