Xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư tích cực: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 khả thi

Năm 2024, mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra là 7%. Đã qua 9 tháng với nhiều tín hiệu tích cực từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, tăng trưởng công nghiệp và sức mua trên thị trường…, các chuyên gia kinh tế khẳng định mục tiêu này rất khả thi.

Những chỉ dấu đáng mừng

Thông tin từ cộng đồng doanh nghiệp, khá nhiều lĩnh vực tăng trưởng mạnh trong những tháng qua. “Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của công ty tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều sản phẩm như sầu riêng cấp đông, bưởi, xoài… đang là nhóm sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong đó, riêng với sản phẩm sầu riêng cấp đông, trung bình 3 ngày, công ty xuất khẩu 1 container sang Mỹ”, ông Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T chia sẻ.

P1a.jpg
Hệ thống robot tự hành tại Nhà máy Vinamilk Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bà Nguyễn Thị Bích Sơn, Giám đốc nhãn hàng Công ty CP Richy (chế biến thực phẩm bánh kẹo) cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, đơn hàng xuất khẩu của công ty tăng mạnh, doanh thu cả năm có thể đạt hơn 2.000 tỷ đồng...

Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, nếu năm 2023, nhóm hàng điện và điện tử, máy tính tăng trưởng âm 2,3%; các ngành sản xuất xe có động cơ tăng trưởng âm 4,1%; da giày âm 1,9%; ngành cao su và nhựa tăng 8,8%..., thì chỉ 9 tháng đầu năm nay, những ngành này đã lấy lại đà tăng trưởng đột phá khi lần lượt cán mốc tăng trưởng lần lượt 9,1%, 13%, 11,6% và 28,8%. Không chỉ vậy, ở nhiều nhóm hàng hóa khác như sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế hóa chất, chế biến thực phẩm… cũng có mức tăng cao từ 7,8%-25%.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, cả nước có 1.027 dự án mới được tăng vốn đầu tư nước ngoài với số vốn tăng thêm đạt hơn 7,64 tỷ USD, tăng 7,3% về số dự án và tăng 48,1% về số vốn đăng ký tăng thêm so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. “Năm 2024, Việt Nam vẫn duy trì sức hấp dẫn nhà đầu tư ngoại khi dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam. Chỉ số niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã tăng đáng kể, từ 45,1% trong quý 3 năm 2023 lên 52% trong quý 3 năm 2024”, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam khẳng định.

Nhìn chung, từ lĩnh vực công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và chỉ số tiêu dùng… đều có những mức tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng quý sau cao hơn quý trước; chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 579 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,4%.

Giữ nhịp và làm mới

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, tình hình kinh tế thế giới 9 tháng năm 2024 đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện tài chính tiếp tục được nới lỏng, nguồn cung lao động gia tăng. Khảo sát thực tế từ doanh nghiệp thành viên cho thấy, đơn đặt hàng xuất khẩu đã nhiều lên; giá trị đơn hàng cũng tăng so với các năm.

P5a.jpg
Gia công, lắp ráp chi tiết sản phẩm tại Công ty TNHH SXTM Cát Thái, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Hoàng Hùng

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cũng cho biết, đơn hàng xuất khẩu từ nay đến hết quý 1-2025 của doanh nghiệp ngành nông sản, thực phẩm đã lấp đầy. Trong đó, những nhóm hàng nông sản, trái cây, thực phẩm chế biến có số lượng đơn hàng nhiều nhất.

Theo các chuyên gia kinh tế, dù những thành tích đạt được cũng không nên chủ quan. Đó là những quy định, tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường xuất khẩu lớn về phát triển bền vững, những biến động khó lường của thị trường thế giới ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cũng là áp lực với doanh nghiệp. Ngoài ra, những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đang bị cạnh tranh từ các nước như Ấn Độ, Thái Lan… ngay tại thị trường nội địa. “Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt, cập nhật những biến động của thị trường. Từ đó có giải pháp chủ động điều chỉnh tiêu chuẩn sản xuất thích hợp”, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) khuyến nghị.

Box tăng trưởng GDP những năm qua7.jpg

Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, việc cải thiện môi trường đầu tư, kiến thiết và tạo động lực tăng trưởng cho nhóm ngành kinh tế vẫn là những hành động cần thực hiện đồng bộ, xuyên suốt. “Việt Nam nói chung và TPHCM cần phải minh bạch, đồng thời hợp nhất đầu mối giải quyết thủ tục pháp lý cho nhà đầu tư. Tránh tình trạng một dự án nhưng doanh nghiệp phải tìm đến cả chục đầu mối cơ quan ban ngành để xin phép và tháo gỡ khó khăn pháp lý trong suốt vòng đời dự án, đặc biệt là những dự án có liên quan đến đất đai”, ông Phan Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn CT Group nhấn mạnh.

Đại diện một số tập đoàn cũng kiến nghị, Chính phủ, bộ ngành cần sớm đảm bảo duy trì dòng chảy thương mại, kết hợp xây dựng hành lang cho các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; cùng với đó là số hóa quản trị công và tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng; số hóa hậu cần để theo kịp thương mại điện tử, hạ tầng giao thông.

Tin cùng chuyên mục