Đến sáng 10-6, công tác khảo cổ đã xuất lộ: nền móng bậc cấp, hệ thống đá ong bó vỉa sát nền móng ở chái Đông và chái Tây; lớp gạch bát tràng trên lớp đá ong bó vỉa sát nền móng dọc theo bậc cấp chái Tây; hệ thống đá ong bó vỉa sát chân móng chái Đông, bậc cấp lên xuống điện; chân móng chái Tây, góc phía Tây Bắc điện Thái Hòa…
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết, đợt khảo cổ lần này nhằm làm phát lộ các dấu vết nền móng tường thành, bậc cấp, kết cấu móng ở phần chái Đông và chái Tây của Điện Thái Hòa. Đồng thời, phục vụ việc nghiên cứu và bổ sung hồ sơ dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa. Kết thúc đợt khai quật khảo cổ, trung tâm sẽ có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực khảo cổ gửi về Bộ VH-TT-DL.
Được xây dựng vào năm 1805, Điện Thái Hòa là một trong những công trình tiêu biểu của kiến trúc Cung đình Huế với kiểu thức “trùng thiềm điệp ốc”. Tồn tại thời gian dài với 22 lần trùng tu, di tích này đang xuống cấp nghiêm trọng, nhất là sau các đợt bão lũ năm 2020. Chính phủ đã bố trí nguồn vốn 100 tỷ đồng để trùng tu, sửa chữa khẩn cấp. Theo đó, phương án phục hồi, tu bổ và tôn tạo Điện Thái Hòa là hạ giải toàn bộ mái lợp, phục hồi mái hạ, mái thượng lợp bằng ngói ống hoàng lưu ly; hạ giải toàn phần khung và các kết cấu gỗ để đánh giá chất lượng từng cấu kiện, đề xuất phương án tu bổ phục hồi chi tiết; phục hồi sơn son thếp vàng toàn bộ các cấu kiện gỗ...