Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, toàn vùng ĐBSCL có hơn 47.000ha xoài các loại, năng suất bình quân đạt từ 11-13 tấn/ha, sản lượng khoảng 567.732 tấn/năm. Trong số này, có 1.789ha xoài được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP phục vụ xuất khẩu. Năm 2020, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng xoài đạt hơn 180 triệu USD. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm gần 84% tổng kim ngạch xuất khẩu; kế đến là thị trường Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Australia, Nhật Bản…
Tại hội thảo, các nhà chuyên môn và các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, trong năm qua tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng xoài trên thế giới đạt khoảng 12,3 tỷ USD, nhưng Việt Nam xuất khẩu còn khiêm tốn (hơn 180 triệu USD), điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ xoài trên thế giới rất tiềm năng.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vina T&T Group cho biết: “Từ tháng 4-2019, công ty chúng tôi đã xuất lô xoài đầu tiên với sản lượng 27 tấn sang Hoa Kỳ bằng đường hàng không và đường biển. Trong 3 tháng đầu năm 2021, công ty xuất khẩu mỗi tuần khoảng 35 tấn xoài. Lợi thế hiện nay là xoài được cấp phép xuất vào thị trường Hoa Kỳ và Australia với công nghệ bảo quản 30 ngày; song song đó là các hiệp định thương mại tự do được ký kết giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường trong khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, xoài là loại trái cây có mùa vụ quanh năm, chất lượng ổn định nên doanh nghiệp thuận lợi trong chủ động ký kết các hợp đồng xuất khẩu…”.
Bộ NN-PTNT cho rằng, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD; có trên 70% cơ sở chế biến bảo quản xuất khẩu đạt trình độ và công nghệ tiên tiến…
Cục Bảo vệ Thực vật, đề nghị các địa phương ĐBSCL tiếp tục đăng ký vùng trồng xoài, cấp mã số; áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo. Đối với cơ sở đóng gói, xử lý, phải được kiểm tra giám sát định kỳ và có sự chấp nhận của nước nhập khẩu…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cả nước hiện có khoảng 87.000ha xoài, trong đó vùng ĐBSCL chiếm 48% diện tích, đây là yếu tố rất tốt để nâng chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Để nâng cao chất lượng tiêu chuẩn xoài thì vai trò của các HTX là rất quan trọng; HTX chính là đầu mối để phối hợp, liên kết theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp xuất khẩu. HTX sẽ quy tụ các xã viên để tổ chức lại sản xuất gắn với doanh nghiệp, hình thành nên vùng nguyên liệu lớn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu xuất khẩu của nhiều thị trường khác nhau…
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tiết lộ: Từ những năm 2005 - 2006, Đồng Tháp đã tập trung đầu tư cho ngành hàng xoài như: xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đê bao chống lũ, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, cải tạo giống, xử lý ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái, sản xuất tiêu chuẩn GAP... Đặc biệt là xây dựng mô hình “cây xoài nhà tôi” để bán hàng qua mạng. Từ đó, hình thành nên vùng nguyên liệu xoài tập trung ở huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh. Xoài cũng là 1 trong 5 ngành hàng mà Đồng Tháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện Đồng Tháp có 977,6ha xoài được cấp mã vùng xuất khẩu sang những thị trường khó tính và 4.228ha được cấp mã vùng xuất sang thị trường Trung Quốc... Đồng Tháp cũng thành lập 8 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác và 23 Hội quán nông dân trồng xoài, liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài dài hạn 1.073ha với hơn 10 doanh nghiệp... Mặt được là vậy, nhưng cái khó là tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch còn khá lớn, có khi lên đến 70%; khâu bảo quản xoài tươi hao hụt nhiều; diện tích sản xuất đạt GAP còn hạn chế... Đây là những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.