Các doanh nghiệp (DN) Việt đã kỳ vọng rất nhiều vào chuyện đẩy mạnh xuất khẩu khi thuế giảm. Nhưng thực tế, với việc Hàn Quốc siết chặt hơn rào cản kỹ thuật, hàng hóa Việt Nam đã thêm khó khăn khi thâm nhập thị trường này.
Gặp khó với tiêu chuẩn nhập khẩu
Theo Bộ Công thương, dù được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng hàng nông sản Việt Nam luôn bị kiểm tra nghiêm ngặt nhất. Vì vậy, nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc với số lượng rất hạn chế và chỉ được một vài loại như thanh long, dừa, xoài, ổi, chuối, cà rốt, bông cải xanh, cải thảo...
Đối với các loại rau quả chế biến, nhà máy cung cấp cần phải đạt được các tiêu chí theo giấy chứng nhận xuất khẩu do phía Hàn Quốc cấp sau khi họ đã kiểm tra dây chuyền sản xuất, lịch trình sản xuất từ vườn đến khâu thu hoạch, bảo quản tại kho, máy móc thiết bị chế biến, cách thức lưu giữ bảo quản sản phẩm.
Thu hoạch Thanh Long theo mô hình VietGAP ở Long An. Ảnh: HỒNG ANH
Ông Hong Won Sik, đại diện Tập đoàn Lotte, nhận xét nông sản Việt Nam khá rẻ so với Thái Lan và Trung Quốc, nhưng chất lượng chưa đảm bảo.
Một vài điểm yếu mà nông sản Việt Nam hay mắc phải là chưa đảm bảo tính đồng nhất về kích thước, hương vị, màu sắc, kỹ thuật đóng gói bao bì kém, chưa chọn lọc kỹ sản phẩm (lẫn nhiều sản phẩm hỏng), sót nhiều dị vật (đất, tóc, lá cây…).
Trong đó, 2 lỗi mà các nhà nhập khẩu Hàn Quốc phản ứng gay gắt nhất là tình trạng lẫn dị vật hoặc lẫn nhiều sản phẩm hỏng. Trong khi các tiêu chuẩn nhập khẩu của Hàn Quốc ngày càng gắt gao, chặt chẽ thì đến thời điểm này, một số đơn vị của Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ về điều kiện xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Điều này dẫn đến tình trạng kim ngạch xuất khẩu chưa cao và Việt Nam vẫn là nước nhập siêu từ Hàn Quốc. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Vĩnh Quang, đại diện Công ty TNHH Thực phẩm Khuê Nhất An, cho biết công ty ông có 6 ha đất nông nghiệp ở Bình Thuận, đang dự tính trồng ớt, nhưng không biết cần phải đáp ứng các tiêu chí nào về giống, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật... mới có thể xuất sang Hàn Quốc?
Tương tự, Hợp tác xã Bưởi Năm Roi (huyện Vĩnh Hòa, Vĩnh Long) cũng băn khoăn về việc cơ sở mình đang sản xuất bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng để xuất khẩu sang Hàn Quốc thì cần thêm những tiêu chí gì? Ví dụ như mã số vùng trồng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế những loại nào, quy trình xử lý ra sao…
Vượt hàng rào kỹ thuật bằng chất lượng
Rõ ràng nhiều DN Việt vẫn lúng túng khi muốn đưa hàng vào Hàn Quốc. Trao đổi về thực trạng này, ông Nguyễn Quang Phúc, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, cho rằng trong khi các DN, hiệp hội ngành nghề của Hàn Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng các điều kiện để được hưởng ưu đãi từ trước khi VKFTA có hiệu lực, thì đến nay vẫn còn nhiều DN Việt Nam chưa nắm bắt được thông tin, lợi ích mà VKFTA mang lại, dẫn đến “bỏ quên” các ưu đãi lẽ ra được hưởng.
Theo ông Phúc, cách duy nhất để đẩy mạnh xuất khẩu vào Hàn Quốc là các DN phải nhanh chóng tiếp cận các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi mới công nghệ, tuân thủ đúng các quy trình chế biến, sản xuất để vượt qua các rào cản kỹ thuật.
Hồ tiêu là mặt hàng có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Ảnh: THÀNH TRÍ
Các DN cần lưu ý, Hàn Quốc còn siết chặt hơn các nước khác: các lô hàng không đạt tiêu chuẩn không chỉ bị trả về mà DN còn phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng.
Ông Chu Thắng Trung, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc, cũng cho biết trong những năm qua, tại Hàn Quốc, các mặt hàng nông sản nhập khẩu (như rau, củ, quả…) đa phần nhập từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Hàn Quốc bắt đầu có xu hướng tìm kiếm những nguồn cung cấp khác ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Năm 2016, hàng nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc được hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 4% nhu cầu nhập khẩu của Hàn Quốc (mỗi năm, Hàn Quốc nhập khoảng 33 tỷ USD các sản phẩm nông, lâm, thủy sản).
Con số này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của các DN Việt Nam - vốn có thế mạnh về các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Còn rất nhiều cơ hội cho hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc nếu các DN tận dụng được những lợi thế từ VKFTA.
Tiêu biểu trong đó là hàng rau quả chế biến, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, tôm, mực chế biến... Ông Trung lưu ý, khi xuất khẩu vào Hàn Quốc, các DN cần chú ý đến khẩu vị của người tiêu dùng nơi đây để điều chỉnh cho phù hợp với thị hiếu.
Các DN xuất khẩu Việt Nam nên sang Hàn Quốc để khảo sát thị trường nhằm tiếp cận người tiêu dùng và tham gia các hội chợ tổ chức ở đây. Nếu thực hiện tốt các vấn đề như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng đồng đều, bao bì bắt mắt và có sự khác biệt, thì sẽ tạo hiệu ứng thu hút được nhiều đối tác và người tiêu dùng Hàn Quốc đến với hàng Việt.
Việc sử dụng quy tắc xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các thị trường thành viên tham gia FTA là một trong những yếu tố giúp DN nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, phần lớn các DN Việt Nam chỉ mới sử dụng C/O để hưởng ưu đãi thuế quan khi có yêu cầu của đơn vị nhập khẩu, mà chưa chủ động xin cấp C/O trước khi xuất hàng.