Xuất khẩu tăng, nhưng đối mặt nhiều khó khăn
Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ ước đạt 67,1 tỷ USD (tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2021) và châu Âu đạt 27,9 tỷ USD (tăng 22,6%). Đây là một nỗ lực vượt bậc của các DN trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.
Theo ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, trong những sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến cao su tại Việt Nam, lốp xe là ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhất, ước đạt hơn 1,1 tỷ USD, chiếm 51,8% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su của Việt Nam, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 150 quốc gia mà sản phẩm lốp xe Việt Nam có mặt, Hoa Kỳ là thị trường chủ lực (chiếm gần 60%) với kim ngạch ước đạt gần 650 triệu USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, châu Âu đang được xem là thị trường tiềm năng của rất nhiều ngành hàng của Việt Nam. Ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bao bì Việt Nam, thông tin, kim ngạch xuất khẩu ngành bao bì giấy đã tăng nhanh trong những năm qua. Từ đầu năm đến nay, rất nhiều DN trong nước phải từ chối đơn hàng vì không đủ công suất đáp ứng, trong đó có nhiều đơn hàng đến từ thị trường châu Âu.
Thế nhưng, dù kim ngạch xuất khẩu nhiều ngành hàng Việt Nam tăng mạnh, các DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Điển hình, ngay khi nhận thấy sản phẩm lốp xe Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ tăng nhanh, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mở cuộc điều tra nhằm xác định liệu lốp xe từ Việt Nam có bị bán với giá thấp hơn mức giá hợp lý hay không. Sau hơn 1 năm tìm hiểu, DOC đã ban hành kết luận không áp thuế chống bán phá giá với phần lớn các DN xuất khẩu lốp xe của Việt Nam. Tuy nhiên, trước đó, nhiều mặt hàng khác như xơ sợi, thép, nhựa, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ… của Việt Nam đã bị Hoa Kỳ và các nước thị trường châu Âu xem xét, áp thuế phòng vệ thương mại với mức thuế lên đến hơn 400%, gây thiệt hại đáng kể đến hoạt động ngành.
Một lo lắng khác, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, DN xuất khẩu vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Trước mắt, nhiều quốc gia là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản… đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch Covid-19, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam. Cùng với đó, lạm phát cao tại các thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU… và các xung đột khiến giá nguyên, nhiên phụ liệu tăng cao liên tục, kéo theo chi phí của DN tăng khoảng 20%-25%. Ngoài ra, bất lợi về tỷ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy xuất nguồn gốc nguyên liệu sản xuất từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà DN Việt Nam đang phải đối mặt.
Chờ “tiếp sức” từ gói hỗ trợ
Từ thực tế những khó khăn của DN cần tháo gỡ, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho rằng, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói vốn đã bố trí hỗ trợ DN, giúp DN tiếp cận các nguồn vốn tốt nhất. Song song đó, cộng đồng DN đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có các chương trình giám sát các ngân hàng thương mại thực thi hiệu quả và đồng bộ chính sách khoanh nợ, gia hạn thời hạn trả nợ, cơ cấu nợ (bao gồm cả nợ gốc và lãi tới hạn). Đồng thời, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm mà Nghị quyết 11/NQ-CP đã ban hành. Riêng về chính sách cho phép giảm thuế GTGT từ 10% về 8%, cần xác định rõ danh mục hàng hóa giảm thuế, giúp DN thuận lợi trong thực thi nghĩa vụ.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, cùng với việc thu hút mạnh đầu tư và tăng hoạt động xúc tiến giao thương nhằm mở rộng thị phần xuất khẩu, DN cần chủ động thích ứng và phòng ngừa nguy cơ bị các thị trường xuất khẩu điều tra, áp thuế phòng vệ thương mại. Kinh nghiệm đấu tranh thành công với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của Bộ Công thương và các hiệp hội DN vừa qua cho thấy, DN cần phải thiết lập ban pháp chế và củng cố hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu cũng như quá trình sản xuất hàng hóa. Từ đó, kịp thời cung cấp hồ sơ cho các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
Trên thực tế, rất nhiều vụ kiện điều tra chống phá giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam của các thị trường xuất khẩu đã bị bãi bỏ. Đơn cử, gần đây nhất vào ngày 11-7, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) đã ban hành kết luận cuối cùng cho đợt rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm định hình có xuất xứ từ Việt Nam và Malaysia. Theo đó, ADC đã quyết định không tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa thuộc đối tượng rà soát. |