Xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc: Mã định danh - mảnh ghép còn thiếu

Việt Nam là quốc gia thứ 4 được xuất khẩu chính ngạch tổ yến vào Trung Quốc sau Malaysia (năm 2014), Indonesia (năm 2015) và Thái Lan (năm 2017). Đây là thị trường chiếm hơn 8 trong số 10 tỷ USD tổng doanh thu tổ yến tiêu thụ toàn cầu năm 2022.
Sơ chế tổ yến tại Trung tâm triển lãm Yến sào Việt Nam ở huyện Cần Giờ (TPHCM)
Sơ chế tổ yến tại Trung tâm triển lãm Yến sào Việt Nam ở huyện Cần Giờ (TPHCM)

Tuy nhiên, để xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc phải hoàn thiện các thủ tục mà trước hết là việc cấp mã số cho nhà yến. Theo đó, sản phẩm tổ yến xuất khẩu phải có sự giám sát theo chuỗi, có thể truy xuất nguồn gốc từ gây nuôi, khai thác, sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói, ghi nhãn đến sản phẩm cuối cùng, đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Đây là những bất cập mà chuỗi giá trị yến Việt Nam phải đáp ứng khi việc xây dựng nhà yến tự phát.

Cấp mã định danh không chỉ với nhà yến

Góp ý dự thảo “Hướng dẫn về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến”, ngày 22-2, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) gửi văn bản lên Bộ NN-PTNT cho rằng, việc quản lý hoạt động chăn nuôi bằng cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó có nhà dẫn dụ chim yến, để giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cập nhật được tình hình chăn nuôi trong phạm vi toàn quốc nhanh và chính xác là điều nên làm. Nhưng trong dự thảo này còn vài điều chưa phù hợp.

Cụ thể, việc đăng ký cấp mã định danh cho cơ sở chăn nuôi hay nhà yến do chủ cơ sở đề nghị và địa phương cấp mã (Quyết định 124/2004/QĐ-TTg), không phải Cục Chăn nuôi. Việc cấp mã định danh cho cơ sở chăn nuôi hay nhà yến không chỉ phục vụ cho việc xuất khẩu, mà khi đã tham gia chăn nuôi, có sản phẩm hàng hóa phải đăng ký và được cấp mã để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phục vụ cho việc quản lý.

Để xuất khẩu tổ yến, các cơ sở sơ chế và chế biến tổ yến đăng ký với Cục Thú y và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong đó cơ sở này phải có danh sách nhà yến theo mã định danh đã đăng ký. Không có việc đình chỉ, hủy bỏ mã định danh cơ sở chăn nuôi hoặc nhà yến. Nếu cơ sở vi phạm, cơ quan quản lý sẽ xử phạt như quy định. VFAEA cho rằng, theo Luật Chăn nuôi, nếu hướng dẫn cấp mã định danh cho nhà yến thì các đối tượng nuôi khác cũng nên được hướng dẫn.

Với việc 3 lần xác nhận từ địa phương đến Trung ương (UBND cấp xã, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Cục Chăn nuôi), để được cấp phải phát sinh nhiều thủ tục hành chính, dẫn đến tình trạng có nơi không đăng ký hoặc phát sinh tiêu cực. Vấn đề an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm được Cục Thú y, Chi cục Thú y giám sát thường xuyên và định kỳ để cấp giấy chứng nhận, giấy kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y và quy định trong Nghị định thư, đồng thời các tổ chức được chỉ định giám sát và cấp chứng nhận tiêu chuẩn HACCP về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.

Theo Điều 7 của Nghị định thư và các điều có liên quan quy định, các cơ sở chế biến tổ yến xuất khẩu phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ nhà nuôi yến. Thông tin phục vụ cho truy xuất nguồn gốc là những hoạt động, quy trình vận hành, thu hoạch, sơ chế… cần có phần mềm chuyên dụng và cấp mã QR cho mỗi sản phẩm truy xuất được nguồn gốc theo dọc chuỗi (cơ sở dữ liệu quốc gia không thực hiện được cấp mã QR cho sản phẩm). Theo Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn hiệu lực từ 1-1-2020, nhiều doanh nghiệp sơ chế, chế biến yến đã xây dựng mã định danh cho các nhà yến sản xuất theo chuỗi và đã có mã QR.

Việc cấp mã định danh cho nhà yến là do địa phương thực hiện, cơ quan quản lý tại địa phương có trách nhiệm tổng hợp và tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia do Cục Chăn nuôi quản lý. Phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm của các doanh nghiệp đã có mã định danh (Quyết định 124/2004/QĐ-TTg) cũng được tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

Theo hướng dẫn của dự thảo, một sơ sở chăn nuôi nếu nuôi heo, gà, vịt, trâu, bò, yến… cấp mỗi vật nuôi 1 mã định danh là không phù hợp. Mỗi cơ sở chăn nuôi chỉ cấp 1 mã định danh (có thể nuôi nhiều đối tượng khác nhau). Cục Chăn nuôi sẽ quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi, kiểm tra, giám sát các điều kiện theo chức năng nhiệm vụ.

Những người mở đường

Theo ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VFAEA), Chi Hội trưởng Chi hội Nhà yến Việt Nam, để có được kết quả hôm nay là quá trình chuẩn bị từ năm 2017.

Tổ yến chuẩn bị thu hoạch tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TPHCM

Tổ yến chuẩn bị thu hoạch tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TPHCM

Xuất phát từ nhu cầu của hàng ngàn nhà yến muốn cùng nhau bảo vệ quyền lợi, nhất là cần tìm đầu ra ổn định trong bối cảnh số lượng nhà yến và sản lượng tổ yến tăng nhanh và việc xuất bán qua Trung Quốc lúc đó chủ yếu chỉ đường biên giới.

Tháng 6-2017, VFAEA thành lập Chi hội Nhà yến Việt Nam. Ngay sau đó, Chi hội tổ chức các đoàn đi Malaysia, Indonesia tìm hiểu về nghề nuôi và cách làm để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Song song đó, tìm đối tác từ Trung Quốc, cũng như hợp tác với nhiều viện, trường trong nước và quốc tế để có tầm nhìn khái quát, xác định các bước đi. VFAEA kiến nghị Bộ NN-PTNT và UBKHCN của Quốc Hội đưa vật nuôi mới là chim yến vào Luật Chăn nuôi (Điều 64). Đây là hành lang pháp lý đầu tiên của ngành yến. Sau đó là các nghị định, thông tư hướng dẫn…

Sau kiến nghị của VFAEA đặt vấn đề về thủ tục xuất khẩu, đầu năm 2019, Bộ NN-PTNT có Công hàm về xuất khẩu tổ yến gửi cơ quan phụ trách của Trung Quốc. Sau đó, Chi hội Nhà yến tham gia Đoàn xúc tiến thương mại Bộ NN-PTNT đi khảo sát thị trường nông sản Trung Quốc.

Tại TP Hạ môn, Công ty cổ phần Tập đoàn Yến sào Việt ký hợp đồng nguyên tắc với đối tác Trung Quốc xuất khẩu 150 tấn tổ yến thô trị giá 250 triệu USD. Tháng 7-2020, Chi hội khánh thành “Trung tâm Sơ chế Yến sào Việt Nam” thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Yến sào Việt Nam (TĐVSV) với công suất một dây chuyền đạt 6 tấn/năm (dự kiến 10 dây chuyền) với công suất 150 tấn tổ yến thô/1 năm. Đây là giai đoạn hoàn thiện cơ sở đạt chuẩn xuất khẩu.

Cả nước có 23.665 nhà yến. Nhà yến tăng nhanh ở Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Kiên Giang cũng là tỉnh có số nhà yến nhiều nhất (2.995 nhà yến). 100% tỉnh ở vùng ĐBSCL, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên đều có nhà yến. Trong đó, ĐBSCL chiếm 44,67% (10.572 nhà yến), Nam Trung bộ chiếm 25,21% (5.965 nhà yến), Đông Nam bộ chiếm 20,95% (4.958 nhà yến), Tây Nguyên chiếm 8,32% (1.969 nhà yến).

Tin cùng chuyên mục