Dồi dào những đơn hàng triệu USD
Trong tâm trạng hân hoan, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, chia sẻ hơn 1.000 công nhân của công ty dự kiến sẽ được nghỉ tết cho đến ngày 11 âm lịch (tức ngày 26-2), nhưng phải vào sản xuất sớm hơn dự kiến vì các đơn đặt hàng xuất khẩu đầu năm của các đối tác Nhật Bản và châu Âu. Hiện công ty đã nhận được đơn đặt hàng lên đến hơn 2 triệu USD và phải giao hàng ngay trong tháng này.
Tại Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam, ông Nguyễn Đình Đông - Phó Tổng giám đốc cho biết, ngay từ đầu năm tín hiệu xuất khẩu của công ty vào thị trường Mỹ khá tốt, công ty vừa hoàn tất việc ký hợp đồng cung ứng sản phẩm lốp xe du lịch với tổng giá trị 1,2 triệu USD.
Đơn đặt hàng này cũng sẽ được duy trì hàng tháng cho đến hết năm 2018. Riêng những thị trường khác như châu Á, châu Âu, Trung Đông, đơn hàng vẫn đều đặn và ổn định suốt năm nay. Dự kiến doanh thu của công ty năm 2018 sẽ xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, tăng cao hơn năm 2017, trong đó doanh thu xuất khẩu chiếm hơn 30%.
Năm 2018, các DN dệt may hứa hẹn gặt hái nhiều kết quả tích cực khi liên tục nhận được nhiều đơn đặt hàng đầu năm. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, thường những tháng đầu năm là tháng thấp điểm của ngành dệt may do đơn hàng khá ít.
Sản xuất vỏ ô tô tại Casumina. Ảnh: CAO THĂNG
Trước tết, nhiều DN phải hoạt động cầm chừng do sụt giảm đơn hàng. Thế nhưng, bước sang đầu năm 2018, tình hình đã đảo chiều. Nhiều công ty dự định cho công nhân nghỉ tết dài, tuy nhiên do đơn đặt hàng đầu năm đã dồi dào, nhiều nơi phải kêu gọi công nhân đi làm sớm hơn.
Đây là kết quả của sự đầu tư chuyển hướng sản xuất thời gian qua. Thay vì nhận gia công những sản phẩm đơn chi tiết hoặc chi tiết giản đơn, nhiều DN đã chuyển sang sản xuất sản phẩm đa chi tiết, đặc biệt là đổi mới công nghệ để sản xuất những sản phẩm có chi tiết khó, phát huy được lợi thế khéo tay của công nhân Việt Nam.
Đại diện Công ty CP May Sài Gòn cho biết, chưa đầy 2 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu của công ty đã đạt hơn 11 triệu USD. Đây là mức tăng trưởng cao nhất mà công ty đã đạt được trong giai đoạn thấp điểm đầu năm. Hiện công ty đã nhận được đơn hàng cho đến tháng 8-2018, đảm bảo hoạt động cho 4.300 công nhân. Dự kiến doanh thu năm 2018 sẽ đạt 1.700 tỷ đồng.
Gạo, vú sữa… nhộn nhịp xuất ngoại
Năm 2018, Chính phủ giao chỉ tiêu ngành nông nghiệp cả nước xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, trong đó các mặt hàng nông sản như rau quả, nhân điều, gạo, hồ tiêu… là 22 tỷ USD; các mặt hàng thủy sản như tôm nước lợ, cá tra… là 9 tỷ USD; lâm sản nói chung là 9 tỷ USD. Có thể nói, đây là nhiệm vụ khá nặng nề trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhất là với các thị trường lớn và truyền thống.
Vậy nhưng ngay tháng đầu năm 2018, các mặt hàng nông lâm thủy sản đã mang về 3 tỷ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, tháng 1 mặt hàng gạo đạt kim ngạch xuất khẩu với giá trị 249 triệu USD, tương đương 524.000 tấn, tăng 56,5% về khối lượng và tăng 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Bốc hàng xuất khẩu lên tàu tại cảng Cát Lái ngày 21-2. Ảnh: CAO THĂNG
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Quyền Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho biết ngay mùng 6 tết, công ty đã hoạt động tất bật trở lại vì phải hoàn tất đơn hàng gạo xuất đi Indonesia trong tháng 2 này: “Chúng tôi làm việc liên tục những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán để đảm bảo kịp tiến độ. Đây là đơn hàng lớn đầu năm, Vinafood 2 và Vinafood 1 (Tổng Công ty Lương thực miền Bắc) đã trúng thầu cung ứng 141.000 tấn gạo cho Indonesia, hiện đã giao được hơn 2/3 lượng hàng…”.
Tại các DN xuất khẩu gạo khác, không khí cũng tất bật không kém do nhiều nơi đang chuẩn bị giao hàng theo các hợp đồng chuyển từ cuối năm 2017 sang 2018, số lượng xuất thêm lên đến 760.000 tấn gạo. Có thể nói, hoạt động xuất khẩu của ngành lương thực vẫn nhộn nhịp trong những ngày trước và sau tết.
Các DN xuất khẩu và nhiều nhà vườn ở Tiền Giang năm nay ăn tết cũng rất vui. Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết, trước tết, tỉnh đã xuất khẩu sang Mỹ 2 tấn trái vú sữa đầu tiên và thông tin khách hàng phản hồi là đánh giá cao về chất lượng, khiến nhà vườn thêm tự tin và phấn khởi vào vụ tết.
Theo ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty XNK Cát Tường, vùng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) nơi đây như sống lại thời hoàng kim trước đây, khi trái vú sữa xuất khẩu được giá cao, bà con càng quan tâm chăm sóc để vườn cây tốt hơn. Công ty đã xuất thêm được khoảng 20 container vú sữa qua thị trường Mỹ theo đơn hàng đã ký.
Đến nay, thống kê chưa đầy đủ, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đã đạt 384 triệu USD, tăng 63% so cùng kỳ năm trước. Nhiều tín hiệu vui từ đầu năm hứa hẹn ngành xuất khẩu rau củ quả sẽ có một năm 2018 tăng trưởng ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng 2 con số/năm.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia Nguyễn Hoàng Thúy, việc mở cửa cho 38 loại hoa quả nước bạn vào Việt Nam không có điều kiện là bài học để thời gian tới, khi mở cửa cho bất kỳ mặt hàng nào của nước bạn cũng phải đặt vấn đề trao đổi.
Như khi ta mở cửa cho trái cherry, nước bạn cũng phải mở cửa để trái xoài, thanh long Việt Nam xuất đi. Hiện nay con bò thịt của Australia vào Việt Nam với tốc độ tăng rất mạnh, vì vậy cần phải đặt trên bàn đàm phán trong việc mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất vào Australia.
Để đảm bảo chỉ tiêu Chính phủ đề ra, vai trò của tham tán thương mại từ các nước là quan trọng trong việc cung cấp thông tin và những chính sách mới ở các thị trường để nhà nước và DN có đối sách kịp thời.
Tham tán thương mại phối hợp tham gia giải quyết các tranh chấp, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp trao đổi hàng hóa, phương thức thanh toán tại các khu vực như châu Phi, vùng Trung Đông sao cho phù hợp, qua đó thúc đẩy trao đổi giao dịch nông sản 2 bên...
Theo Bộ Công thương, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, một cuộc gặp gỡ giữa các tham tán thương mại với chính quyền và DN phía Nam sẽ được bộ tổ chức tại TPHCM vào cuối tháng 2 này.