Theo Văn phòng SPS Việt Nam, hội nghị được triển khai dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, nhằm tăng cường phổ biến, cập nhật các quy định an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS). Qua đó, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân tham gia chuỗi sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm và thủy sản nâng cao nhận thức, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, được dự báo giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng hơn 40% vào năm 2025 và 45% vào năm 2030. Nhiều chuyên gia cho rằng, EVFTA góp phần làm GDP Việt Nam trở lại mức tăng trưởng 7% giai đoạn 2029-2033. EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, với kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 2.300 tỷ USD. Thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này hiện khoảng 2%.
Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, quy định việc loại bỏ thuế đối với khoảng 90% nhóm hàng trong vòng 20 năm. 10 quốc gia ASEAN, thành viên chính trong RCEP, tin rằng với sự lớn mạnh của các thành viên, EU và Hoa Kỳ sẽ tăng cường đàm phán và mở cửa thị trường hơn trong tương lai với nhóm RCEP.
Tại hội nghị, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng bất thường về số lượng cảnh báo từ EU, với tổng cộng 57 cảnh báo, tăng hơn 80% so cùng kỳ năm 2023 (31 cảnh báo). Đặc biệt, TPHCM có tỷ lệ lớn với 23/57 lượt cảnh báo, mặc dù các vùng sản xuất chính có thể không nằm tại TPHCM.
Sự gia tăng này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, 4 mặt hàng nông sản phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn, bao gồm thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%).
EU định kỳ rà soát và áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra và quản lý nhập khẩu mỗi 6 tháng. Tuy nhiên, sự góp ý từ Việt Nam đối với các thông báo dự thảo về biện pháp SPS vẫn còn hạn chế. Chỉ một số ít địa phương, như Hải Dương, thực sự quan tâm và có phản hồi đầy đủ, kịp thời. Ngược lại, việc góp ý cho các thông báo và dự thảo biện pháp SPS của các thành viên WTO còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng không thể hiện rõ quan điểm và yêu cầu của Việt Nam.
Nếu không có giải pháp kịp thời, nông sản thực phẩm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị tăng cường kiểm tra biên giới theo quy định của EU, ảnh hưởng đến tiến trình xuất khẩu và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong nửa đầu năm 2024, hệ thống RASFF (Hệ thống thông tin về An toàn Thực phẩm và Thức ăn) ghi nhận tổng cộng 2.708 cảnh báo, trong đó Việt Nam chiếm 57 cảnh báo, tương đương 2,1%.
Mặc dù tỷ lệ này nằm ở mức trung bình so với các quốc gia trong khu vực, nhưng nếu so với khi Việt Nam chỉ nhận 67 cảnh báo từ EU trong cả năm 2023, thì cho thấy sự gia tăng đáng kể.
Để đảm bảo việc xuất khẩu nông sản và thủy sản từ Việt Nam sang EU không gặp phải các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp cần chú ý kiểm soát các hoạt chất và vi sinh vật được khuyến cáo bởi các cảnh báo từ EU.