Xuất khẩu nông sản “về đích” sớm

Những tháng cuối năm 2024, nhiều quốc gia đã tăng mua các mặt hàng nông sản Việt Nam, trong đó có trái cây, cà phê, gạo. Bộ NN-PTNT đánh giá với nỗ lực lớn của các doanh nghiệp (DN), các mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu sẽ đạt mức 55 tỷ USD trong năm nay.

Nhiều mặt hàng đạt tỷ đô

Trong 9 tháng đầu năm nay, trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước ta, sầu riêng nổi lên là loại “trái cây vua”. Theo ước tính sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD chỉ trong 9 tháng, tức kim ngạch xuất khẩu của loại trái cây này đã xô đổ kỷ lục 2,24 tỷ USD của cả năm 2023.

CHU DE.jpg
Các nông hộ ở huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông)thu hoạch cà phê. ẢNH: ĐỨC TRUNG

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm nay chắc chắn vượt mốc 3 tỷ USD. Bởi tháng 10 này, các tỉnh Tây Nguyên vào chính vụ thu hoạch. Sầu riêng nghịch vụ ở các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng sẽ cho thu hoạch vào các tháng cuối năm.

Đây cũng là thời điểm các quốc gia cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia đã kết thúc mùa thu hoạch nên giá sầu riêng Việt Nam sẽ rất cao. Hiện, giá sầu riêng tại các vùng trồng được thu mua tại vườn dao động 42.000-95.000 đồng/kg tùy loại. Mức giá này giúp nông hộ đạt lợi nhuận lớn từ loại trái cây này.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc một DN xuất khẩu sầu riêng ở thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk), cho biết, giá sầu riêng năm nay không cao như năm trước nhưng ổn định hơn. Điều này giúp DN thuận lợi hơn rất nhiều trong việc thu mua sầu riêng, đảm bảo đơn hàng xuất khẩu.

Sầu riêng Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng so với hàng Thái Lan, giá cả cũng cạnh tranh hơn. Nhờ đó, lượng sầu riêng xuất khẩu tăng lên và còn nhiều dư địa phát triển ở thị trường Trung Quốc. Năm nay, DN của ông Thanh dự kiến xuất khẩu gần 500 container sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc.

Một mặt hàng nông sản đạt giá trị “khủng” khác, đó là cà phê. Trong 9 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch hơn 4 tỷ USD. Dù giảm số lượng, nhưng trị giá kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 9 tháng lại tăng 30%. Cũng với thời gian trên, nếu như xuất khẩu gạo đạt gần 4 tỷ USD thì mặt hàng rau quả cán mốc 4,8 tỷ USD. Đây là nhóm hàng dự báo có nhiều bứt phá về kim ngạch xuất khẩu.

Đại diện Bộ NN-PTNT cho hay, nếu như quý 1 và quý 2 năm nay, các lô nông sản lưu kho ít nhất 1-2 tháng, thì bước vào đầu quý 4, các sản phẩm chỉ lưu 1-3 tuần sẽ được xuất kho. Điều này cho thấy thị trường xuất khẩu đang khá khởi sắc vào các tháng cuối năm. Quý 4 là thời điểm có nhiều lễ hội, do đó các nước sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Việc chủ động nguyên liệu, tăng cường chế biến sâu và chinh phục được nhiều thị trường… sẽ giúp ngành nông sản nước ta tiếp tục xác lập các con số kỷ lục về xuất khẩu.

Ngoài ra, chính những khó khăn, phức tạp của tình hình thế giới lại là thời cơ cho nông sản Việt đi sâu vào các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, châu Âu. Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, tính đến tháng 9-2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta đạt gần 50 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường

Bên cạnh các gam màu sáng, xuất khẩu hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Mưa bão, thiên tai làm thiệt hại, sụt giảm nguồn nguyên liệu, giá cước vận tải tiếp tục tăng cao… là những rào cản với xuất khẩu nông sản của nước ta.

Trong khi đó, giá xuất khẩu không dễ điều chỉnh. Đáng lo hơn, nguồn nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc… đang thiếu hụt trầm trọng ở nhiều địa phương.

Theo tính toán, mỗi năm, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp mang về cho nước ta hơn 50 tỷ USD. Mặc dù là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng việc quy hoạch sản xuất, dự báo thị trường với ngành nông sản vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều sản phẩm tăng trưởng nóng, chưa có quy định ràng buộc sản xuất, chỉ dừng lại ở khuyến cáo, khuyến nghị. Đáng lo, việc quá lệ thuộc vào một thị trường cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

D5a.jpg
Người dân ở huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) thu hoạch sầu riêng

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, để các mặt hàng nông sản “hút” thêm nhiều ngoại tệ, trước tiên trái cây phải đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật, mở rộng loại quả mới vào các thị trường và không để dịch bệnh.

Quan trọng nhất vẫn là nâng cao hàng rào kỹ thuật của trái cây Việt Nam để chủ động đáp ứng tất cả các thị trường. Khi một thị trường biến động, chúng ta chuyển ngay thị trường khác. Một thị trường khác nổi lên, chúng ta đưa trái cây Việt chào mời ngay… Có như vậy xuất khẩu mới đi xa, đi sâu, tăng trưởng bền vững.

Từ những diễn biến như trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tự tin, ngành nông nghiệp cả nước sẽ đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD. Trong những tháng còn lại của năm 2024, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp như nâng cao năng lực chế biến sâu, tập trung xây dựng thương hiệu để nông sản Việt Nam thực sự có giá trị trên thị trường quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu những sản phẩm nông sản có lợi thế…

Bộ NN-PTNT tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, nhất là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU; tận dụng các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ DN ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

“Ngoài các thị trường lớn, trọng tâm như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, ngành nông nghiệp cũng đang tích cực phối hợp cùng các DN mở cửa các thị trường mới, nhiều tiềm năng như Trung Đông, châu Phi. Đây là những giải pháp mang tính căn cơ để thúc đẩy cho toàn ngành nông nghiệp về đích năm 2024 và tạo tiền đề cho những năm tiếp theo”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục