Số liệu của Bộ Nông Lâm và Ngư nghiệp Campuchia cho thấy các nông sản xuất khẩu chủ lực là gạo, thóc, xoài, chuối, sắn, hạt điều, cao su, bắp và hạt tiêu. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản trong giai đoạn này đạt 2,71 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ Nông Lâm và Ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhon cho biết, lượng gạo xuất khẩu giảm phần lớn là do chi phí vận tải tăng cao trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, xuất khẩu các sản phẩm ngoài gạo lại tăng 107% trong cùng kỳ.
Lý giải về hiện tượng nông sản xuất khẩu tăng vọt trong 9 tháng qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên đoàn Lúa gạo Campuchia kiêm Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu chuối và trái cây Longmate Agriculture Co Ltd, ông Hun Lak, cho rằng điều này xuất phát từ việc sản phẩm của Campuchia được nhập dễ dàng hơn vào các thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, cùng với xu thế tăng ổn định đầu tư vào nông nghiệp Campuchia từ 3 năm qua.
Ông Hun Lak nói: “Chuỗi sản xuất nông nghiệp những năm gần đây phát triển ổn định, nhất là các loại cây ăn quả như chuối, xoài, điều… Trong đó, xuất khẩu xoài tươi tăng mạnh trong tháng 10 này”.
Theo đánh giá của Thủ tướng Hun Sen, ngành nông nghiệp Campuchia đang phát triển tốt. Tính đến tháng 9, việc gieo cấy lúa mùa mưa đã vượt chỉ tiêu. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp. Trong năm 2020, xuất khẩu nông sản đã mang về cho Campuchia 3,4 tỷ USD.
Mặc dù ngành nông nghiệp Campuchia đang tăng trưởng tốt, song vẫn còn nhiều thách thức. Ngoài đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, tình trạng hạn hán cũng gây rất nhiều khó khăn với ngành. Theo báo cáo của Bộ Môi trường Campuchia, trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019, hạn hán đã ảnh hưởng đến hơn 1 triệu ha lúa, trong đó 201.000ha bị thiệt hại hoàn toàn.
Tình trạng khô hạn đã gây thất thu khoảng hơn 624.000 tấn lúa với giá trị ước tính khoảng 100 triệu USD. Số liệu thống kê ghi nhận được cho thấy, diện tích lúa tại Campuchia bị thiệt hại do hạn hán ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.
Bộ trưởng Veng Sakhon trong tháng 9 đã đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) xem xét tiếp tục hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp ở Campuchia dựa trên thành quả hợp tác giữa hai bên trong nhiều năm qua. Hiện Campuchia đang cần WB trợ giúp các dự án nhằm tăng sản lượng, nâng cao chất lượng và an toàn nông sản, đồng thời củng cố chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết cho xuất khẩu các sản phẩm của Campuchia ra thị trường quốc tế.
Theo ông Sakhon, WB đang hỗ trợ các dự án phát triển nông nghiệp, vốn đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện mức sống, tăng trưởng kinh tế bền vững và tạo thêm nhiều việc làm. Hỗ trợ của WB cũng đã góp phần sử dụng công nghệ phù hợp, đa dạng hóa nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng và quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững.
Campuchia hiện đang muốn thúc đẩy sản xuất rau, trái cây và nuôi trồng thủy sản của địa phương để cung cấp nhu cầu trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng xuất khẩu. Sản lượng rau nội địa là hơn 716.000 tấn vào năm 2020, tăng 5% so với tổng sản lượng 681.000 tấn của năm 2019. Con số này có nghĩa là Campuchia phải nhập khẩu rau từ nước ngoài, chủ yếu từ Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu.