Xuất khẩu khối ngoại chiếm 73,7%
Theo phân tích từ Bộ KH-ĐT, tổng kim ngạch xuất khẩu quý 1-2022 đạt 88,58 tỷ USD thì có đến 73,7% thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn lại là của doanh nghiệp trong nước.
Xu hướng loại hình ưu tiên đầu tư của các doanh nghiệp FDI cũng khá rõ nét. Dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kế đến là sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí, nguyên phụ liệu, hoạt động kinh doanh bất động sản, bán lẻ, thương mại điện tử... Những quốc gia và vùng lãnh thổ đang tăng cường hiện diện mạnh tại Việt Nam là Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc...
Hỗ trợ doanh nghiệp nội gỡ khó
Nhiều doanh nghiệp khẳng định, sự “đổ bộ” doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam đang tạo ra những thay đổi tích cực cho bộ mặt kinh tế chung của cả nước. Thế nhưng ở chiều ngược lại, đã gây những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp của doanh nghiệp nội.
tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của Nhà máy Tôn Hoa Sen. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Không dừng lại đó, nội lực sản xuất yếu của nhóm doanh nghiệp khối nội cũng khiến doanh nghiệp giảm năng lực xuất khẩu gián tiếp do chưa thể gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà Lê Bích Loan, Phó Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, cho biết, những doanh nghiệp FDI đầu cuối như Samsung, Intel, Nidec Sankyo... vẫn luôn tìm kiếm nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nhưng đến nay số doanh nghiệp Việt tham gia còn hạn chế. Đồng thuận quan điểm này, đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM, cho biết, dù rất nỗ lực tìm kiếm nhà cung ứng nguyên liệu nội địa cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, nhưng đến nay tỷ lệ cung ứng chỉ đạt trên dưới 37%. Thực tế đó đã buộc các doanh nghiệp khối ngoại phải sử dụng nguồn cung ứng nhập khẩu để thay thế.
Gặp khó cả trong xuất khẩu trực tiếp lẫn gián tiếp đã khiến cho độ chênh lệnh kim ngạch xuất khẩu khối nội và khối ngoại ngày càng xa. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng, tỷ lệ chênh lệch này rất đáng quan ngại. Về lâu dài, tỷ lệ chênh lệch trên không được cải thiện theo hướng gia tăng kim ngạch xuất khẩu khối nội, doanh nghiệp Việt sẽ đứng trước nguy cơ bị thu hẹp thị phần bởi chính những doanh nghiệp FDI xuất khẩu từ trong nước. Tiến đến xa hơn thì doanh nghiệp khối nội sẽ dần chuyển sang gia công cho doanh nghiệp FDI.
Để cải thiện tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp nội cho rằng, cần thiết phải hỗ trợ hiệu quả vốn đầu tư để doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất kết hợp tái đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại. Trong đó, nhất thiết phải đạt đến điều kiện tự động hóa dây chuyền sản xuất kết hợp số hóa quản trị. Quan trọng hơn, về phía Chính phủ, cần quyết liệt chọn lọc nhà đầu tư ngoại. Theo đó, chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp khối ngoại đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như xơ sợi, vải nguyên liệu, hạt nhựa, bột tinh các loại, phụ liệu dệt may, hương phụ liệu phục vụ chế biến lương thực thực phẩm, phôi thép, kim loại...
Cùng với đó, tính đến yếu tố chế tài để các doanh nghiệp FDI thực hiện cam kết chuyển giao công nghệ sản xuất cho doanh nghiệp trong nước là rất cần thiết. Cách làm này chính là gia cố nội lực cho doanh nghiệp Việt Nam nói riêng cũng như cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế cả nước nói chung, vững vàng trước sân chơi toàn cầu sâu rộng như hiện nay.
Bộ Công thương: Đa dạng thị trường
Theo tôi, để tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, doanh nghiệp nội nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, vừa tìm kiếm thị trường phù hợp năng lực, mà đồng thời có cơ hội phát triển lớn mạnh. Thời gian qua, ngoài những thị trường mà Việt Nam đã “quen” xuất khẩu, Bộ Công thương đã hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận thêm với thị trường Ấn Độ.
Hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng nhanh từ mức 200 triệu USD (năm 2000) lên hơn 13 tỷ USD (năm 2021). Đặc biệt, chỉ trong 5 năm sau khi trở thành đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, kim ngạch thương mại 2 nước đã tăng gấp đôi và mục tiêu của năm 2022 là 15 tỷ USD. Một số mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng rất mạnh trong năm 2021, bao gồm: chất dẻo nguyên liệu (tăng 231%), hóa chất (tăng 162%), cao su (tăng 138%), than đá (tăng 128%). Đặc biệt, nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện tiếp tục có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt hơn 1,28 tỷ USD - chiếm khoảng 21% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Ấn Độ.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, một trong những thế mạnh của doanh nghiệp khối nội, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu quả thanh long, các mặt hàng gia vị như quế, hồi, tiêu, thảo quả… tới Ấn Độ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp 2 nước còn nhiều dư địa cho hợp tác đầu tư và thương mại các sản phẩm nông sản cũng như hỗ trợ nhau về công nghệ chế biến. Ấn Độ là quốc gia có dung lượng thị trường cực lớn với hơn 1,4 tỷ dân. Đây cũng là thị trường hết sức tiềm năng khi mà những rào cản kỹ thuật tương đối phù hợp với điều kiện sản xuất của doanh nghiệp trong nước, là cơ hội cho các doanh nghiệp tăng cường sự hiện diện sản phẩm tại thị trường này.
Ngày 12-4, ông Vũ Hoàng Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, cho biết, thị trường Nhật Bản đang có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm, bao gồm: cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê… từ Việt Nam. Người dân đến từ các nước châu Á đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đã lên tới 10 triệu người, trong đó có gần 500.000 người Việt Nam. Thực tế này đã đẩy nhu cầu tiêu dùng hàng nông thủy sản, thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam tăng cao và ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản. Đây là những tiền đề cho thấy hàng nông thủy sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu hơn nữa sang Nhật Bản trong thời gian tới. |