Trong các ngày 29 và 30-10, báo SGGP đã có loạt bài với chủ đề “Xuất khẩu lao động, những gam màu sáng - tối” phản ánh tình trạng rất nhiều người tại các địa phương ở miền Trung tìm đường đi chui vào các nước châu Âu làm việc lậu và đối mặt với những rủi ro, thậm chí mất mạng. Sự kiện 39 người chết trong container khi tìm cách đi lậu vào Anh mới đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mặt trái của việc này. Tiếp theo 2 loạt bài, SGGP ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cơ quan hữu quan.
Đại biểu TRẦN VĂN LÂM, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang:
Tăng cường đàm phán, ký kết hiệp định lao động
Chúng ta đã ký kết xuất khẩu lao động (XKLĐ) với 50 thị trường nhưng vẫn còn nhiều người lao động vượt biên trái phép tại những thị trường có chi trả thu nhập cao và đã xảy ra nhiều sự việc đau lòng.
Để khắc phục vấn đề này, một mặt các cơ quan chức năng của nhà nước phải tăng cường đàm phán ký kết các hiệp định lao động ở những thị trường được cho là hấp dẫn để người lao động có thể đi XKLĐ chính ngạch. Bên cạnh đó, các tổ chức dịch vụ đưa người đi XKLĐ cũng cần nắm bắt nhu cầu người lao động để mở ra thị trường mới, đưa những người có nhu cầu, có khả năng tiếp cận với thị trường có thu nhập cao. Còn đối với người lao động, phải hết sức cân nhắc, cẩn trọng, không mạo hiểm sinh mệnh của mình để đi XKLĐ chui, bất hợp pháp vì điều đó là vi phạm pháp luật Việt Nam, nước ngoài. Đừng chỉ vì lợi trước mắt mà bất chấp nguy hiểm, kể cả tính mạng của mình.
Đại biểu TRẦN ĐÌNH GIA, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh:
Đi lao động chui, phi pháp rất khó kiểm soát
Hà Tĩnh là địa phương có nhiều người đi XKLĐ bằng con đường chính thức. Tuy nhiên, còn một lượng người đi theo con đường không chính thức theo hình thức: người đi trước ở lại, sau đó đưa người nhà, người thân sang bằng con đường du lịch, thăm người thân… rồi tìm cách ở lại. Đây là vấn đề rất khó kiểm soát vì những người này không phải đi từ Việt Nam, có thể họ đi từ những nước thứ ba nên địa phương không quản lý được thời gian họ đi. Vì vậy nếu nói việc này là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương thì vô cùng khó.
Không phải những người đi XKLĐ là có hoàn cảnh khó khăn, ngược lại, nhiều người đã từng sang lao động ở Pháp, Đức, có thu nhập cao, kinh tế gia đình khá. Chúng tôi cũng có thông tin, những người sang Anh theo con đường bất hợp pháp chủ yếu làm việc phi pháp, thường phải sống chui lủi, quản lý đối tượng này rất khó.
Để hạn chế tối đa những rủi ro xảy ra cho những người đi XKLĐ chui, chỉ có cách là đẩy mạnh tuyên truyền. Hiệu quả nhất là tuyên truyền từ chính những người đã từng làm việc ở nước ngoài thì người dân mới hiểu thực tế cuộc sống ra sao. Bởi lẽ, không ai thuyết phục tốt bằng chính những người đi lao động chui ở nước ngoài đang phải sống cơ cực.
Đại biểu LÊ THANH VÂN , Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội:
Trách nhiệm của địa phương, cơ quan bảo vệ pháp luật
Vụ việc 39 người lao động tử vong tại Anh dù thuộc quốc gia nào đi nữa, cũng là sự việc đau lòng, là lời cảnh báo đối với những người có ý định đi XKLĐ mà không theo con đường chính ngạch. Rõ ràng, đây là đường dây buôn người với quy mô lớn, hoạt động mạnh mẽ ở các quốc gia, không chỉ Việt Nam. Từ thực trạng đó cho thấy việc quản lý nhân khẩu ở các địa bàn khó khăn còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, việc giải quyết công ăn việc làm với mức thu nhập cho người dân chưa thỏa đáng, dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo, từ đó họ có sự so sánh, cố tìm chân trời mới để thay đổi cuộc đời.
Do chưa tiếp cận được thông tin nên đồng bào vùng sâu, xa chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm, tác hại của việc vi phạm pháp luật và đã tham gia vào những đường dây này. Trách nhiệm này trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Thứ hai là các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa vào cuộc kịp thời để phát hiện ra đường dây, đối tượng dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia đường dây. Thứ ba là trách nhiệm của tổ chức chính trị xã hội ở địa phương trong việc tham gia tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân, đã để những thông tin sai lệch tác động đến nhận thức của họ.
Ông BÙI SỸ LỢI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội:
Trước hết là nhận thức của người lao động
Trong vấn đề XKLĐ “chui”, có 3 điều cần bàn. Trước hết là nhận thức của người lao động. Có lẽ họ chỉ với một mục đích là kiếm tiền mà chưa nghĩ đến hậu quả xã hội có thể xảy ra; có vẻ như họ còn quá mơ hồ về tương lai mà không biết rằng tương lai đó đầy chông gai, thậm chí không có cơ hội quay trở lại.
Thứ hai là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Chính quyền địa phương cấp xã phường, thị trấn có vai trò quản lý hộ khẩu, quản lý nhân khẩu mà biến động dân cư lại không nắm được là sao? Thứ ba là về quản lý xã hội, công tác nhập cảnh xuất cảnh rõ ràng là có khoảng trống dễ bị lợi dụng.
Nhìn về lâu dài, chúng ta phải xem xét lại cách thức chỉ đạo điều hành giữa kinh tế và xã hội, làm sao để đảm bảo phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. XKLĐ chính là một trong những giải pháp để giải quyết công ăn việc làm, nhất là trong thời kỳ mà cung lao động của Việt Nam đang lớn hơn cầu sử dụng.
Ông NGUYỄN GIA LIÊM, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB-XH:
Nên đi theo kênh chính thức
Người lao động khi muốn ra nước ngoài làm việc, học tập thì nên đi theo kênh chính thức để được bảo đảm an toàn, không nên đi chui, đi làm việc bất hợp pháp.
Hiện nay có 2 hình thức đi làm việc ở nước ngoài. Thứ nhất là thông qua các doanh nghiệp được cục cấp phép thực hiện dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Thứ hai là người lao động Việt Nam đi theo kênh cá nhân nhưng thường đi theo kiểu tự do, không có các điều kiện tiêu chuẩn về nghề nghiệp và ngoại ngữ, không nhận thức được những rủi ro có thể xảy ra…
Những lao động tự do muốn sang làm việc ở châu Âu cần đi bằng con đường hợp pháp thì mới an toàn. Di cư lao động hợp pháp là phải: ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động; đăng ký đi làm việc ở nước ngoài với cơ quan quản lý lao động tại Việt Nam; được chính quyền nước tiếp nhận cấp visa và giấy phép lao động hợp pháp. Về trường hợp các nạn nhân thiệt mạng tại Anh nghi ngờ có người Việt Nam thì hiện nay, Vương quốc Anh không cấp giấy phép lao động cho lao động phổ thông của Việt Nam.
Đại biểu TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động TPHCM:
Làm tốt hơn việc xuất khẩu lao động chính thức
Công tác XKLĐ đang thực hiện theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, qua công tác giám sát của công đoàn thì thấy, đến nay luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế, không còn phù hợp với cuộc sống, không có chế tài mạnh. Trong khi đó có nhiều tổ chức đưa người ra nước ngoài lao động không nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật.
Một phần người lao động rất thiếu thông tin chính thức, chủ yếu qua “cò”, qua các công ty dịch vụ, thật giả lẫn lộn; một phần vì mong muốn kiếm được tiền nhiều hơn, nhanh hơn, mới chấp nhận rủi ro mạo hiểm. Tôi cho rằng đã đến lúc cần sửa luật, đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật để các công ty dịch vụ XKLĐ làm tốt hơn công tác này, tạo dựng được niềm tin với người dân, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền cho họ. Khi đó, người lao động sẽ không lựa chọn con đường đi chui, đầy rủi ro nữa. Về phần mình, người lao động cần trau dồi trình độ, tay nghề, ngoại ngữ… để có được thu nhập tốt hơn một cách chính đáng q