Xuất khẩu lao động, những gam màu sáng - tối - Bài 2: Chui lủi nơi xứ người

Muốn sang các nước châu Âu để làm giàu, trong khi tay nghề không có nên người lao động đã bỏ ra nhiều tiền để mua suất lao động chui tại các nước châu Âu, thông qua các đường dây ở trong nước và Trung Quốc. 

Thế nhưng, những lời hứa hẹn về một môi trường làm việc tốt, văn minh và thu nhập cao đã thay bằng những ngày lao động cực nhọc, tủi nhục, trốn chui trốn nhủi vì có thể bị bắt giam, trục xuất bất cứ lúc nào.

24 lần bị trục xuất

Ngồi trước mặt chúng tôi là Nguyễn Trung Kiên (Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình), người đã 24 lần tìm cách vào Anh bằng con đường trốn dưới gầm xe và... đều bị bắt. 

Kiên chấp nhận gặp chúng tôi trong một quán cà phê nhỏ ở TP Đồng Hới. Mở đầu Kiên nói: “Đi Anh tỷ lệ thành công cực thấp, giàu có xa hoa lại càng thấp. Em đây 24 lần trốn vào Anh thì 23 lần bị bắt vì nhập cảnh trái phép. Năm 2007, em qua Cộng hòa Czech làm việc, thời gian đó khủng hoảng kinh tế, người dân hết việc, có đường dây nói đi Anh. Tiền không có, đành chọn con đường khó khăn nhất, rẻ nhất để đi là nằm như cá mòi trong thùng đựng dụng cụ sửa xe container. Thùng sâu 1,8m, rộng chừng 2m mà xếp 2 lớp người với tổng số 9 nhân mạng. Đi trong thùng này, giá mỗi người 5.000USD, người dẫn đường chỉ xe nào thì chui lên xe đó, tài xế không hay biết gì vì đây là đường cỏ rẻ nhất. Lần đầu tiên lọt 15 trạm cảnh sát Pháp, đến trạm của cảnh sát Anh thì bị bắt, bị trả lại Pháp. Những lần sau cũng đều bị bắt. Đến lần thứ 24, mệt mỏi, em cùng một đồng hương người Quảng Bình và một người Nghệ An lên một chiếc xe cũ nát chứa đồ sửa nhà, thùng sơn, cùng vải bóng nhôm để vượt biên vào Anh. Lần này lọt được đến Anh”.

Kiên qua Anh vào ngày 2-9-2008, danh mục việc làm được ưu tiên bên trong suy nghĩ của Kiên là trồng cần sa (tiếng lóng là trồng cỏ) vì đây là công việc cho thu nhập cao, nhanh giàu có, nhanh trả khoản nợ ở quê nhà.

Theo lời Kiên, làm được 2 mùa thì đổ bệnh, do tiếp xúc hóa chất chăm sóc cần sa. Năm 2010, Kiên chuyển qua làm nail. Từ quê nhà, vợ Kiên cũng tìm đường qua Anh và không cho Kiên biết. Đến khi liên lạc, gặp nhau, Kiên lại huấn luyện kỹ thuật trồng cần sa cho vợ. Tuy nhiên, đến tháng 1-2011, Kiên bị bắt và bị trục xuất về nước, từ đó vợ bỏ Kiên đi theo người khác.

Xuất khẩu lao động, những gam màu sáng - tối - Bài 2: Chui lủi nơi xứ người ảnh 1 Sau nhiều lần vượt biên và bị trục xuất về nước, Kiên đang bán nhà trả nợ và chờ ngày ra tòa

“Sau 24 lần vào Anh, cuối cùng em không có tài sản gì ngoài số nợ rất lớn và người vợ bỏ đi không một lời. Cuộc sống đi Anh thật sự không phải là màu hồng, bởi vì những người đi chui rất nhiều và tỷ lệ thất bại rất cao”, Kiên nói.

Về nước làm nghề “thợ đụng”, đụng gì làm nấy để kiếm tiền trả nợ nhưng các khoản nợ lại tiếp tục tăng lên. Kiên lấy vợ mới và có được thêm đứa con nên khó khăn càng thêm khó khăn. Bế tắc, Kiên quyết đi vượt biên lần nữa. Lần này là đi Australia.

Giữa năm 2018, Kiên cùng 16 người đồng hương Quảng Bình chung tiền mua tàu cá vượt biên. Mỗi suất đi đóng 150 triệu đồng, tiền mua tàu cá 1.000 mã lực hết 1,7 tỷ đồng, số còn lại đổ dầu, mua lương thực, thực phẩm dự trữ để vượt biển sang Australia.

Ngày 26-8-2019, sau gần một tháng lênh đênh trên biển, con tàu đến cách bờ biển Australia 100m, cả nhóm thả thuyền thúng chở 2 lượt người vào bờ, sau đó đánh đắm tàu để khỏi bị phát hiện. Tuy nhiên, vào được bờ biển thì gặp đầm lầy mênh mông, cá sấu rình rập. Mất mấy ngày quanh quẩn tìm lối ra khỏi đầm lầy cá sấu, nhóm của Kiên bế tắc, đành nộp mình cho biên phòng Australia.

Kiên kể: “Cả nhóm bị bắt giam tại một trại ở đảo Christmas, ban đầu có vẻ như giới chức sắp cho chúng em tỵ nạn nhưng quá trình đường đi dài ngày, có mâu thuẫn giữa trưởng đoàn tên Châu với một số thành viên và Châu bị đánh gãy tay. Một người phụ nữ là vợ hờ của Châu đã khai rằng bọn em không phải dân khổ cực mà thuộc thành phần khủng bố nên bọn em bị trục xuất về Việt Nam vào đầu năm 2019”.

Ngôi nhà của vợ chồng Kiên nằm trong một con hẻm ở xã Bảo Ninh. Đó là một căn nhà xập xệ, thấp ẩm, nóng nực, tài sản không có gì đáng giá. Sau khi về nước, Kiên, Châu, Nhân bị khởi tố vì “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Châu đang bị tạm giam, Kiên bị giam 4 tháng, nay được tại ngoại. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ra cáo trạng, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đang lên lịch xét xử.

Vừa rồi, vợ đầu của Kiên đã đón con trai lớn sang Anh theo con đường du học, còn Kiên đang muốn bán căn nhà nhỏ để trả nợ tiền tỷ sau các chuyến vượt biên trái phép.

Đồng tiền xương máu

Về huyện Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An) mấy ngày này, đi đâu cũng nghe về vụ 39 người bị chết trong container ở Anh. Câu chuyện thường trực vì vùng này có rất đông người đi xuất khẩu lao động, nhất là sang châu Âu. Tôi xuống ga Chợ Si (ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu), bắt xe ôm về xã Đô Thành (huyện Yên Thành), bác xe ôm vồn vã “chú về làm xuất khẩu lao động hả?”.

Trên đường đi ông kể, quê ông giờ mọc lên nhà lầu san sát nhờ có xuất khẩu lao động. Nhiều làng quê ở các xã Diễn Tháp, Diễn Thịnh, Diễn Thành (huyện Diễn Châu); Đô Thành, Sơn Thành, Thọ Thành, Bảo Thành (huyện Yên Thành) thay da đổi thịt nhờ xuất khẩu lao động.

Nhưng đằng sau vẻ khang trang, thịnh vượng ấy lại ẩn chứa bao vất vả, nhọc nhằn và không ít âu lo. 

Vào xã Diễn Tháp, dọc 2 bên đường nhà lầu đua chen, trên đường phố ô tô qua lại không khác gì thành phố. Người Diễn Tháp chủ yếu sang Lào làm ăn, nhưng gần đây đi cả châu Âu. Vụ việc 39 người chết ở Anh khiến dân làng lo lắng.

Ngay thời điểm đó, có 2 con em của xã không liên lạc được, nhưng sau đó đã có một người gọi điện về. Đến trung tâm xã Đô Thành, những ngôi nhà khang trang không kém gì Diễn Tháp. Nhưng trong các câu chuyện, mọi người nói về nghi vấn có một số con em trong xã gặp nạn trong vụ việc ở Anh. Họ nói về anh Tứ, chị Nhung ở xóm Phú Xuân, anh Hà ở xóm Yên Hội, đến nay vẫn chưa liên lạc được. 

Ngồi trong quán nước ở ngã tư Vách Bắc, hỏi thăm về người đi xuất khẩu lao động, chị chủ quán bảo: “Giờ cả làng, cả xã tôi đi xuất khẩu, chú hỏi ai”. Bên cạnh nhà chị bán quán có 2 vợ chồng trẻ đã định cư bên Anh, mới mang con về thăm bố mẹ. Người bà đang bắt đứa cháu sang chơi nhà người thân nhưng nó không chịu. Có tiếng nói vọng ra từ trong nhà: “Thôi, mấy bữa nó về bên Anh rồi”. Người bà cười như mếu: “Đó đó, giờ nó coi cái nước Anh là nhà nó, nên nó bảo về. Về là phải về nhà ông bà đây nì, nghe chưa”. 

Đến bây giờ, anh Nguyễn Văn L. ở xóm Vách Bắc (xã Đô Thành, huyện Yên Thành) vẫn chưa hết cảm giác “ớn” khi nhớ về hành trình sang trời Âu làm việc. Năm 2004, anh phải vay mượn 5.200USD để được đưa sang Đức. Mọi thủ tục, giấy tờ đều có “cò” lo, anh chỉ việc đến ngày, giờ là lên đường. “Cò” làm việc với đường dây nào, anh không được biết. Anh L. được đưa sang Nga và “nhốt” lại ở một ngôi nhà trong một thời gian, sau đó họ đưa anh sang Belarus. Tại đây, đường dây đã cố tình để nhóm của anh L. bị cảnh sát sở tại bắt giữ. Nhóm anh bị giam 15 ngày và bị lấy hết giấy tờ. Sau khi được thả, anh L. cùng nhóm người trở thành người vô gia cư. 

Một thời gian sau, anh L. được đường dây tổ chức cho vượt biên từ Belarus qua Ukraine để sang Ba Lan. Các anh được bỏ lên xe tải cùng với các loại hàng hóa, nhiều chặng phải vượt rừng. Xe tải chở đến một điểm ở bìa rừng thì có người đón và dẫn đường xuyên rừng. Ra đến cửa rừng lại có xe tải chở hàng khác đến đón. Cứ lầm lũi như vậy, cuối cùng các anh cũng đến được đất Ba Lan. Nhưng mới chân ướt chân ráo vào đất nước này, lại bị biên phòng bắt giữ.

Thời gian đầu, vì chưa có nơi giam giữ, các anh bị giam chung với tù hình sự. Sau một năm, anh L. được thả. Theo lời dặn trước đó, anh lấy điện thoại gọi lại cho đường dây. Họ tổ chức lại “dây” và anh được đưa sang Đức trót lọt. Tại Đức, anh L. làm đủ nghề, từ bốc vác, bán thuốc lá dạo, cho đến công việc nghe cái tên khá ấn tượng là “bóc vịt” (thịt vịt rút xương). 

Làm việc ở Đức được một thời gian, nghe bạn bè nói ở Anh lương cao hơn, anh L. tiếp tục tìm đường dây để sang Anh. Năm 2006, anh bỏ ra 5.000USD để được đưa sang Anh. Anh L. được giấu trong hàng hóa trên một container chở hàng. Anh bị cảnh sát Pháp bắt, giam 15 ngày xong thả, anh lại được tổ chức đi tiếp.

Lần đi này, anh L. được giấu lẫn trong chăn nệm. Mặc dù thoát qua được biên giới Pháp nhưng anh lại bị bắt ở Anh. Sau khi bị giam giữ một tháng, anh bị trục xuất về nước. Về đến nhà, anh nghe tin có người ở xóm Đông Thị (cùng xã Đô Thành) đã bị chết khi đang trên đường sang châu Âu. 

Giờ đây, anh L. đã lập gia đình và có 2 con. Vợ chồng anh mở một cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi gia súc kiêm máy xay xát. Anh tâm sự: “Ở nhà chỉ thu được bạc lẻ thôi. Nhưng ở nhà được gần vợ, gần con. Thanh niên quê tôi bây giờ học xong cấp 3 nếu không học lên đại học thì lại tìm cách đi xuất khẩu lao động. Các em suy nghĩ, phải đi mới có tiền xây nhà, có tiền cưới vợ. Nhưng tôi nói thật, nếu có công ăn việc làm ổn định thì không nên đi. Có đi như tôi rồi mới thấy ớn lạnh”.

Nghệ An có khoảng 13.000 người xuất khẩu lao động tự do

Mới đây, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh này theo chương trình giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri. Tại cuộc làm việc, bà Nguyễn Thị Lan, Phó Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh, thông tin, theo Sở LĐTB-XH, hiện Nghệ An có khoảng 13.000 người tham gia xuất khẩu lao động không qua hợp đồng (lao động tự do) và 2.358 lao động hết hạn hợp đồng nhưng vẫn ở lại Hàn Quốc. 

Ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho rằng, để giải quyết tình trạng lao động tự do, bên cạnh tăng cường tuyên truyền, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tìm kiếm các chương trình hợp tác đưa người đi du học và làm việc ở các nước như: Australia, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan…; tạo cơ hội cho người dân tiếp cận thị trường lao động có thu nhập cao và chi phí thấp.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục