Xuất khẩu hướng đến giá trị gia tăng

Trải qua một năm rất khó khăn vì đại dịch và thiên tai khắc nghiệt, xuất nhập khẩu hàng hóa của chúng ta vẫn đạt kết quả ngoạn mục với tổng kim ngạch trong 11 tháng đạt tới 599,11 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2020 (dự báo cả năm hoàn toàn có thể vượt mốc 600 tỷ USD).

 Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% và sau nhiều tháng liên tục nhập siêu, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã thặng dư 225 triệu USD. Hàng loạt mặt hàng xuất khẩu đã về đích sớm trước một tháng, tiếp tục mở ra triển vọng rất lớn cho năm 2022 với những mục tiêu mới lớn hơn.

Trong các lĩnh vực, nổi bật nhất vẫn là xuất khẩu của ngành nông nghiệp với kim ngạch gần 43,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020, vượt xa chỉ tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ giao cho cả năm và dự báo có thể chạm mốc 47 tỷ USD. Trong những giai đoạn khó khăn, ngành nông nghiệp lại thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế

Hiện nay, các doanh nghiệp rất phấn khởi vì nông sản, thủy sản “đắt hàng” tại các thị trường. Giá xuất khẩu hầu hết đều tăng so với năm ngoái. Điển hình như giá hồ tiêu tăng 55%; giá cà phê, cao su, gạo lần lượt tăng gần 11%, 26% và 6,5%. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam đang đứng số một thế giới. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng dệt may đã vượt qua Bangladesh, vươn lên vị trí số 1 thế giới. Hiện sản phẩm dệt may xuất khẩu tăng 7,1%; vải mành kỹ thuật tăng 74,3% và xơ sợi tăng kỷ lục 52,4% so với cùng kỳ, lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD. Với đà khởi sắc hiện nay, ngành dệt may có thể cán đích 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 về xuất khẩu, tương đương năm 2019 (khi chưa có dịch).
Đạt được những kỳ tích này là nhờ sự năng động vượt khó của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và chính sách kịp thời tháo gỡ bất cập trong lưu thông, linh hoạt về chống dịch của Chính phủ. Tuy nhiên, năm nay, điểm đáng lo là kim ngạch nhập khẩu tăng đến từ giá cả hàng hóa, nhiên liệu thế giới tăng cao dẫn đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp lớn, doanh thu xuất khẩu nhiều nhưng lợi nhuận ít.

Vì vậy, theo các chuyên gia, trước mắt các ngành như dệt may, da giày, điện tử... vẫn cần đảm bảo các chỉ tiêu về xuất nhập khẩu để tạo nhiều việc làm cho người lao động nâng cao thu nhập. Một số ngành như nông nghiệp đã đến lúc cần tính toán lại, đổi mới mô hình tăng trưởng, mục tiêu phải là giá trị gia tăng chứ không phải sản lượng. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, nếu một ngành hàng tăng trưởng nhưng chi phí đầu vào tăng hơn tốc độ tăng trưởng thì giá trị gia tăng không đồng hành với tăng trưởng.
Năm 2022, theo các chuyên gia, chúng ta cần đặt kịch bản đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần phải đảm bảo thuận lợi về lưu thông, tiếp tục linh hoạt các biện pháp phòng chống dịch, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc rào cản thương mại, tăng cường ngoại giao để khai mở thêm những thị trường mới đang có nhiều tín hiệu tốt như Ấn Độ, Nam Mỹ, Trung Đông và Australia bên cạnh những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Hiện nay, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm tỷ trọng hơn 28% kim ngạch); Trung Quốc chỉ còn đứng thứ hai (chiếm 16,7%) và chỉ nhỉnh hơn EU (chiếm gần 12%). Song, chúng ta vẫn phải khai thác triệt để tiềm năng lớn của thị trường Trung Quốc. Trong đó, các cơ quan có trách nhiệm cần hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng, nỗ lực đàm phán để thuận lợi trong thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, không bỏ lỡ các thị trường nhỏ và ngách; nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa, tránh tái diễn các vụ hàng Việt Nam xuất khẩu liên tục bị cảnh báo, bị trả về như cá tra, tôm đông lạnh, gạo thơm… 

Tin cùng chuyên mục