Chưa tận dụng tốt lợi thế của hai nước
Phát biểu mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, hiện nay, cùng với quan hệ chính trị, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Cuba tiếp tục có nhiều bước tiến quan trọng. Đối với TPHCM, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) TP sang Cuba năm 2017 đạt 60 triệu USD, tăng 45% so với năm 2016, riêng quý 1-2018 đạt 12,8 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu chủ yếu của DN TPHCM bao gồm: cà phê, gốm sứ, hóa chất, các sản phẩm từ giấy… Tổng kim ngạch nhập khẩu của TPHCM từ Cuba năm 2017 đạt 73.000USD nhưng trong quý 1-2018 đã đạt 53.000USD.
Ở phạm vi cả nước, năm 2017, tổng kim ngạch hai chiều đạt 224,3 triệu USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 217 triệu USD. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước được đánh giá khá ổn định, gồm lương thực, thực phẩm, gia vị, vật liệu xây dựng, quần áo, giày dép, vaccine, dược phẩm... Tuy vậy, những con số này chưa phản ánh hết dư địa hợp tác giữa hai bên. Cho dù Việt Nam là một trong 10 quốc gia có kim ngạch trao đổi thương mại với Cuba cao nhất, nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Cuba còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng giá trị nhập khẩu của nước này. Hiện mới chỉ có 6 DN Việt Nam đầu tư các nhà máy sản xuất tại Cuba.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng việc tổ chức hội nghị là sự hỗ trợ thiết thực cho các DN nắm bắt nhu cầu thị trường Cuba, từ đó giúp DN chuẩn bị hàng hóa, chuẩn bị một kế hoạch đầu tư, xúc tiến đưa hàng Việt Nam vào Cuba.
“Chính quyền TPHCM cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ DN TP xuất khẩu, kinh doanh và đầu tư vào thị trường Cuba, cũng như hỗ trợ các DN Cuba đến đầu tư, kinh doanh tại TP. Hy vọng, trong tương lai không xa, những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của DN TP sẽ trở nên đa dạng, thân quen hơn tại đất nước Cuba”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Nhìn nhận về cơ hội cho DN Việt Nam vào Cuba, bà Celia Labora Rodriguez, Vụ trưởng Vụ Phòng thương mại Cuba, hợp tác quốc tế đại diện Phòng Thương mại Cuba cho biết, nhiều mặt hàng của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của người dân Cuba, đặc biệt là hàng nông sản, máy móc, thiết bị, phương tiện và nguyên vật liệu cho sản xuất cũng như hàng tiêu dùng, giày dép, dệt may. Trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam và Cuba hoàn toàn có thể hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như du lịch, nông nghiệp, công nghệ sinh học, dược phẩm và năng lượng tái tạo.
Chủ tịch Phòng Thương mại Cuba Orlando Hernández Guillen thông tin thêm, trong những ngày qua, Quốc hội Cuba đang họp để sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong hiến pháp cho phù hợp với kinh tế thị trường của thế giới. Các chính sách cũng sẽ được nới lỏng để thúc đẩy kêu gọi đầu tư, thương mại nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế như xây dựng cảng biển mới, đầu tư hệ thống đường sắt, cảng hàng không, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đổi mới ngành công nghiệp luyện kim và khai thác khoáng sản. Đồng thời, ưu tiên các lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống…
Cuba đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như: miễn thuế quan trong quá trình xây dựng dự án, miễn thuế đánh vào lợi nhuận của các dự án đầu tư nước ngoài trong 8 năm đầu tiên, miễn thuế bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ trong năm vận hành đầu tiên… Bên cạnh đó, Nhà nước Cuba đảm bảo nhà đầu tư được tự do chuyển lợi nhuận có được ra nước ngoài bằng đồng tiền tự do chuyển đổi mà không phải chi trả bất kỳ loại thuế, phí nào.
Đại sứ Việt Nam tại Cuba Nguyễn Trung Thành cho biết phía bạn có mong muốn DN Việt Nam hãy mạnh dạn đầu tư để có thể đứng vào vị trí thứ 3 các nước có mức đầu tư vào Cuba, sau Tây Ban Nha và Canada. Việc cập nhật về đường lối mở cửa của Cuba sẽ hết sức có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư, trong đó có Việt Nam. Sản xuất và phân phối của Cuba và Việt Nam có sự tương hỗ rất lớn, là sự lựa chọn tốt nhất cho các đối tác tại Cuba.