Xuất khẩu hàng hóa mùa dịch Covid -19: Trong “nguy” có “cơ”

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu quý 1-2020 đạt 59,1 tỷ USD, tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2019 (mức tăng thấp nhất từ năm 2003 đến nay). Khối doanh nghiệp (DN) trong nước là điểm sáng khi xuất khẩu đạt 18,65 tỷ USD - tăng 8,7%, cao hơn nhiều mức tăng bình quân cả nước. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,9%. 
Chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Điều đáng lưu ý, dù tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh nhưng trong quý 1-2020, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn thặng dư 2,82 tỷ USD, cao hơn cùng kỳ năm 2019.

Cơ hội mới của doanh nghiệp

Đánh giá về thị trường xuất khẩu, Bộ Công thương cho rằng cả xuất khẩu và nhập khẩu ở các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đang có dấu hiệu phục hồi trong tháng 3 do tình hình dịch bệnh tại các nước này đang dần được kiểm soát. Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Singapore, dịch Covid -19 gây ra nhiều khó khăn cho giao thương nhưng cũng đang mang lại cơ hội để các DN Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang thị trường Singapore. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore tăng 8,44% so với cùng kỳ, đạt 2,65 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore tăng tới 35,74%. Riêng tháng 3-2020, thương vụ đã kết nối được hơn 20 đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore, ước đạt khoảng 500 tấn hàng hóa, gồm đa dạng các mặt hàng như cà phê, mì ăn liền, khoai lang, bắp cải, bí, cà tím, dứa, dưa hấu, thanh long...

Nguyên nhân xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore gia tăng mạnh là vì Singapore đang phải nỗ lực và khẩn cấp đa dạng hóa nguồn cung, nguyên liệu sản xuất, trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn. Singapore đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm giúp nước này bù đắp sự thiếu hụt hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông sản, thủy hải sản, xây dựng...

Xuất khẩu hàng hóa mùa dịch Covid -19: Trong “nguy” có “cơ” ảnh 1 Sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại huyện Hóc Môn, TPHCM.  Ảnh: CAO THĂNG 
Ở nhiều nhóm ngành hàng khác như xuất khẩu cá tra, nếu trước đây chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc thì nay các DN đã mạnh dạn tìm kiếm những thị trường mới, tiềm năng, như Ấn Độ... Với thị trường EU, Hiệp định EVFTA đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, mở ra cơ hội mới cho các DN xuất khẩu cá tra. Để tận dụng lợi thế, các DN đang chuẩn bị sẵn sàng trước khi mức thuế của cá tra sẽ về 0% trong 3 năm tới. 

Tại Mỹ, cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã chính thức công nhận hệ thống quản lý và giám sát cá tra của Việt Nam tương đương với Mỹ. Điều này khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đáp ứng một trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ ở Mỹ mà còn các thị trường khó tính khác.

Cần tái cơ cấu sản xuất và thị trường xuất khẩu

Bên cạnh những điểm sáng, Bộ Công thương nhận định, tình hình dịch bệnh đang bùng phát tại nhiều quốc gia, việc các nước áp dụng biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Mặt khác, thời tiết những tháng đầu năm không thuận lợi, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng ở đồng bằng sông Cửu Long, dịch tả heo châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn dẫn đến nguồn cung chưa đáp ứng đầy đủ mức cầu trong nước.

Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ về việc sớm trình bộ hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA để Chủ tịch nước ký trình Quốc hội thực hiện thủ tục phê chuẩn vào kỳ họp tới, nhằm thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh vào thời điểm cuối năm 2020, bù đắp sự khó khăn của các tháng đầu năm.



Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, bộ đang tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 gây ra khó khăn trong thương mại, hạn chế giao thương tại các thị trường xuất khẩu lớn, từ đó đưa ra những dự báo tác động lên nhóm ngành hàng, sản phẩm và đề xuất biện pháp hỗ trợ DN. Bộ đang tiến hành rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế có khả năng bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, để lên kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2020 cho phù hợp. Đồng thời xây dựng kịch bản, dự báo tác động tới sự phát triển, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2020 để kịp thời báo cáo Chính phủ các quyết sách và cơ chế điều hành; kịp thời cung cấp thông tin cho DN, ngành hàng để chủ động tự xây dựng kế hoạch vượt qua thời kỳ khó khăn và phục hồi sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát. 

Trước tác động của dịch Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng đây chính là cơ hội để một lần nữa chúng ta mạnh dạn tái cơ cấu lại sản xuất và thị trường xuất khẩu hàng hóa, tập trung sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn cao, xây dựng xuất xứ hàng hóa và chỉ dẫn địa lý. DN cần đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, không “bỏ trứng vào một rổ” nhằm tránh quá phụ thuộc vào một thị trường và một đối tác; tranh thủ xuất khẩu vào những thị trường tiềm năng, điển hình là chúng ta đã và đang làm rất tốt tại thị trường Singapore. Cách tốt nhất đối với DN lúc này là cố gắng duy trì sản xuất và cần năng động hơn nữa để nhìn ra các cơ hội, hướng đi mới cho mình. Nếu làm tốt, về lâu dài hàng hóa Việt Nam có thể thay thế và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế, chứ không chỉ đơn thuần là lấp chỗ trống do dịch bệnh. “Trong họa có phúc, trong nguy có cơ” là vậy.

Tin cùng chuyên mục