Việc Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Lương thực Advocate Qamrul Islam (Bangladesh) ký gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo giữa chính phủ 2 nước diễn ra tại Hà Nội tuần qua cho thấy, đang có sự chuyển động về thị trường gạo xuất khẩu…
Khi Bangladesh quay lại
Mặc dù còn phải tiếp tục có những bước đàm phán tiếp theo, nhưng theo Bản ghi nhớ (MOU) được ký gia hạn lần này với thời gian hiệu lực 5 năm, từ năm 2017 đến 2022, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Bangladesh sẽ mua số lượng gạo các loại có thể lên đến 1 triệu tấn.
Ngay sau khi ký kết bản ghi nhớ, phía Bangladesh thông báo mong muốn mua ngay 250.000 - 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm và mua tổng số lượng khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ nay đến hết năm 2017.
Hai bên cũng đã chỉ định các đầu mối của nhau để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng. Đây là thị trường từng có giai đoạn được xem là triển vọng mới của Việt Nam, ngoài các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng nhiều năm qua, có vẻ như Bangladesh tự túc lương thực hoặc mua gạo từ đất nước láng giềng Ấn Độ nên không đặt vấn đề mua thêm gạo từ Việt Nam.
Thu hoạch lúa tại ĐBSCL. Ảnh: THÀNH TRÍ
Được biết, MOU về thương mại gạo cấp chính phủ giữa Việt Nam và Bangladesh được ký lần đầu vào năm 2011 tại Hà Nội, thời hạn đến cuối năm 2013. Năm 2011 và năm 2012, Việt Nam xuất khẩu trên 300.000 tấn gạo sang Bangladesh.
Đầu năm 2014, hai bên ký gia hạn tới cuối năm 2016 nhưng hầu như gạo Việt Nam không qua trực tiếp thị trường này, nếu có, phải thông qua các tập đoàn nhập khẩu lớn thế giới. Không chỉ mua gạo từ Việt Nam, Bangladesh cũng có những đàm phán mua gạo từ nước khác như Thái Lan...
Lý giải về điều này, những chuyên gia trong ngành cho rằng, ngoài việc Bangladesh mất mùa còn có nguyên nhân, khách hàng quay lại mua gạo Việt Nam khi có giá gạo thấp, khoảng 375 USD/tấn gạo 5% tấm, so với gạo cùng loại Thái Lan và Ấn Độ khoảng 425 USD/tấn.
Có thể nói, đây là điều không ai muốn nói ra nhưng là thực tế khi chất lượng gạo Việt vẫn thấp hơn các nước xuất khẩu hàng đầu như Thái Lan. Vì điều này mà những tháng đầu năm khi giá lúa gạo trong nước cao bất thường, kéo theo giá xuất khẩu tăng cao hơn nên doanh nghiệp trong nước khó ký được nhiều hợp đồng mới, nên việc xuất khẩu gạo bị chững lại.
Không chỉ có Bangladesh
Trước đó, Bộ Công thương cho biết, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) thông báo sẽ mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo trong tháng tới để bổ sung vào kho dự trữ hiện đang khá thấp. NFA cho hay, dự trữ gạo nước này đã giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 năm qua, hiện chỉ đủ sử dụng trong… 8 ngày. Trong khi quy định của Philippines là dự trữ đệm phải đủ dùng cho 15 ngày và riêng mùa giáp hạt (tháng 7 - 9) phải đủ dùng trong 30 ngày. Đợt đấu thầu này sẽ mở cửa cho công ty tư nhân từ các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Việt Nam.
Trả lời phóng viên TTXVN, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết mới đây các doanh nghiệp đã đấu thầu cung cấp 40.000 tấn gạo cho Malaysia. Việt Nam cũng bán cho Iraq 40.000 tấn gạo Jasmines.
Với Trung Quốc, thị trường này kiểm soát chặt việc mua bán qua biên giới để tính chuyện lâu dài bằng nhập khẩu chính ngạch. Mặc dù các doanh nghiệp phải chịu sự xem xét, kiểm tra khá gắt gao mới được công nhận trong danh sách xuất khẩu qua thị trường này nhưng là điều cần thiết để ổn định về sau. Trong khi đó, nhiều dấu hiệu cho thấy Indonesia sẽ nhập khẩu gạo cho dù trước nay tuyên bố đủ sức đảm bảo an ninh lương thực.
Có thể nói, đó là những tín hiệu khởi sắc của việc xuất khẩu gạo thời gian tới khi đồng loạt xuất hiện nhu cầu lương thực từ nhiều nước, khép lại giai đoạn trì trệ trước đó, ít ra cũng từ nay đến cuối năm.
Đang có những ý kiến khác nhau về diễn biến hiện nay. Có doanh nghiệp cho rằng, tình hình xuất khẩu gạo đang ấm dần lên với những tín hiệu khá lạc quan, nhưng chưa tạo ra sự chuyển biến thật sự. Vẫn có không ít lo ngại về khả năng doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tiếp cận được những yêu cầu này.
Luồng ý kiến khác lại cho rằng, từ nay đến hết năm 2017, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tốt hơn so với những tháng vừa qua, nhưng lo ngại diễn biến giá cả có thể bất lợi cho doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước có thể bị hớ khi nhìn trong bối cảnh tổng thể.
Vừa qua, Thái Lan công bố phiên đấu thầu gạo thứ hai trong năm với tổng khối lượng 1,8 triệu tấn có chất lượng tốt. Kho dự trữ gạo của Thái Lan hiện tại khoảng 4,8 triệu tấn (đa phần gạo không đạt chất lượng), so với 18,7 triệu tấn từ năm 2011-2014.
Bà Duangporn Rodphaya, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan, kỳ vọng phiên đấu thầu sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp do đây là đợt đấu thầu cuối cùng gạo dự trữ trong kho quốc gia. Vài năm nay, một lượng lúa gạo không nhỏ (khoảng 3 - 4 triệu tấn lúa năm, tương đương 1,5 - 2 triệu tấn gạo trắng) từ Campuchia hầu như không còn được đưa vào Việt Nam khi Trung Quốc mua hầu hết lượng lúa gạo hàng hóa này của Campuchia.
Điều đó góp phần lý giải vì sao vụ đông xuân 2016-2017, dù thị trường ế ẩm và trầm lắng, tưởng như phải mua dự trữ lúa gạo hàng hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng rồi không xảy ra. Một số nhận định cho rằng, giai đoạn hiện nay cần phải thận trọng khi giao dịch, nhất là giá cả khi lượng gạo hàng hóa trong nước không phải dồi dào.
Đầu tuần này, Thái Lan tổ chức hội nghị khách hàng quốc tế diễn ra với sự tham gia của nhiều nhà nhập khẩu lớn và các quan chức nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tại đây có thể hình dung về bối cảnh thị trường lúa gạo sắp tới ở đất nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới.
Việc Thái Lan xả gần hết lượng gạo tồn kho là một trong những yếu tố quan trọng giúp thương mại gạo thế giới trở lại quỹ đạo cũ, không bị áp lực như mấy năm qua.