Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, trong Quý I-2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn với trị giá 981 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng 8,8% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022.
Tính chung tổng diện tích gieo cấy năm 2023 ước đạt 7,18 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6,01 tấn/ha, sản lượng thóc ước đạt 43,2 triệu tấn. Theo số liệu cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa cho xuất khẩu, Quý II- 2023, lượng gạo phục vụ xuất khẩu ước đạt 2,129 triệu tấn.
Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại hội nghị |
Trong tổng lượng xuất khẩu, gạo trắng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 53,7%; tiếp đến chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 27,6%; chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8,5%; tiếp đến là chủng loại gạo tấm, chiếm 6,9%; cuối cùng là gạo tăng cường dinh dưỡng chiếm 0,2%.
Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 1,57 triệu tấn, tăng 52,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2022, nhiều nước nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ như Philippines tăng 33%; Indonesia tăng gấp 180 lần; Singapore tăng 30%; Trung Quốc tăng gần gấp 2 lần… Đứng thứ hai là Châu Phi đạt hơn 157.000 tấn. Tuy chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng thị trường châu Âu đạt 32.000 tấn, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường châu Âu tập trung các loại gạo chất lượng cao, gạo thơm như Hà Lan, Ba Lan tăng gấp 2 lần, Bỉ tăng 58% so với cùng kỳ năm 2022.
Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền sản xuất gạo theo quy trình canh tác công nghệ cao |
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong Quý 1-2023 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hoá với giá có lợi cho nông dân.
Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang đi đúng định hướng, chủng loại gạo trắng thường vẫn chiếm tỷ trọng ổn định; gạo thơm và gạo nếp ngày càng gia tăng trị giá xuất khẩu. Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu từ cả các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như chiến lược thị trường chưa thực sự ổn định, dài hạn, vẫn có dấu hiệu phụ thuộc vào một thị trường trọng điểm như Philippines hoặc Trung Quốc.