Xuất khẩu dệt may bật tăng: Cơ hội mở rộng thị phần

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã đạt 3,19 tỷ USD ngay những tháng đầu năm, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 xuất khẩu đạt khoảng 47-48 tỷ USD, tiếp tục giữ vững vị thế trong tốp đầu xuất khẩu dệt may toàn cầu. Kết quả này có được nhờ tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và xu hướng phục hồi của thị trường quốc tế.

Tăng tốc chiếm lợi thế thị phần

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2024, ngành dệt may mang về khoảng 44 tỷ USD, tăng trưởng gần 11% so với năm 2023. Kết quả này giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu dệt may, chỉ sau Trung Quốc. Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Riêng trong tháng đầu năm 2025, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 1,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, thị phần dệt may Việt Nam tại Mỹ đã tăng từ 10% (năm 2018) lên khoảng gần 20% (năm 2024), nhờ vào sự dịch chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết, trong bối cảnh Mỹ áp thuế lên nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, Việt Nam có thể hưởng lợi khi các doanh nghiệp chuyển dịch chuỗi cung ứng.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện các tập đoàn lớn như Nike, adidas, Puma dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam đã giúp ngành dệt may tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI từ lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế lao động và các hiệp định thương mại tự do (FTA). Một số dự án đáng chú ý như Tập đoàn Texhong (Trung Quốc) mở rộng nhà máy sợi tại Quảng Ninh; Công ty Shenzhou International (Trung Quốc) đầu tư hơn 150 triệu USD vào Nghệ An; Tập đoàn Youngone (Hàn Quốc) rót vốn vào Khu công nghiệp tại Bắc Giang...

Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đã đạt được các đơn hàng xuất khẩu quan trọng cho năm 2025, đặc biệt là các doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong ngành. Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết, công ty đã nhận đơn hàng đến tháng 6 năm nay.

Lãnh đạo Tổng Công ty May Nhà Bè cho biết, nhiều doanh nghiệp trong hệ thống đã xuất khẩu sản phẩm sang nhiều quốc gia và có được nguồn khách hàng mới với các đơn hàng dài hạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn đối tác và thời gian giao hàng nhằm giảm thiểu rủi ro do biến động giá cả. Tương tự, nhiều đơn vị thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có đơn hàng đến hết quý 2-2025, thậm chí đến quý 3 và đang tiếp tục đàm phán cho cả năm.

Chủ động thích ứng rủi ro

Dù có nhiều khởi sắc, nhưng dệt may Việt Nam vẫn chịu áp lực cạnh tranh với các nước như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan. Các quốc gia này có chi phí nhân công rẻ hơn và được Mỹ cấp các ưu đãi thuế quan đặc biệt theo hệ thống GSP (Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập). Trong khi đó, Việt Nam chưa được Mỹ cấp GSP, dẫn đến việc hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ bị áp mức thuế trung bình 10%-30%, cao hơn so với các đối thủ.

T5c.jpg
Công ty Dệt may Kim Dung chuyên may quần áo thời trang tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM Ảnh: Hoàng Hùng

Chưa dừng lại đó, Việt Nam nhập khẩu đến 80% nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, bao gồm vải, sợi, hóa chất nhuộm. Khi Mỹ áp thuế lên Trung Quốc, giá nguyên liệu đầu vào có thể tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. “Dù hiện tại, Mỹ chưa áp thuế cao lên hàng dệt may Việt Nam nhưng nguy cơ này vẫn hiện hữu. Trước đó, năm 2020, Mỹ từng điều tra Việt Nam về vấn đề xuất xứ hàng hóa. Nếu Việt Nam không kiểm soát tốt nguồn gốc nguyên liệu, hàng hóa, có thể bị áp thuế chống bán phá giá hoặc thuế phòng vệ thương mại. Điều này làm giảm lợi thế cạnh tranh và ảnh hưởng đến khả năng thu hút đơn hàng”, ông Keith Hwang, luật sư chuyên về Tuân thủ Hải quan Hoa Kỳ khuyến cáo.

Để giải quyết vấn đề này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đề nghị, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, khuyến khích đầu tư vào sản xuất vải và sợi trong nước; phải tập trung phát triển chuỗi cung ứng nội địa, khuyến khích đầu tư vào sản xuất sợi, vải, thuốc nhuộm. Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về phía doanh nghiệp, cần áp dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất để tăng năng suất và phát triển mô hình sản xuất xanh, giảm phát thải carbon. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bộ Công thương đang gấp rút triển khai các biện pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Theo đó, việc mở rộng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản và Hàn Quốc được đẩy mạnh nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, đồng thời tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo Bộ Công thương, nếu tận dụng tốt cơ hội và có chiến lược đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển tốt và vươn lên trở thành trung tâm dệt may hàng đầu thế giới.

Tin cùng chuyên mục