Theo báo cáo tình hình xuất khẩu 20 năm của Bộ Công thương, vào năm 2001, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 45,2% tổng kim ngạch, kể cả dầu thô. Tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tăng dần, đạt cao nhất khoảng 71,4% vào năm 2018. Nhiều năm liền, xuất khẩu của Việt Nam "trông đợi thành tích" của doanh nghiệp ngoại.
"Tuy nhiên kể từ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã tăng mạnh mẽ, trong khi khu vực FDI tăng chậm hoặc giảm, nên tỷ trọng giá trị xuất khẩu khu vực FDI đã giảm dần"- Bộ Công thương thông tin.
Trong 9 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chỉ đạt 131,1 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước năm 2019 đạt 82,96 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2018, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,2% của khu vực FDI. Còn 9 tháng năm 2020, xuất khẩu của khu vực này tăng 19,5%, trong khi xuất khẩu của khu vực FDI giảm 2,8%.
"Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trưởng tích cực trong bối cảnh xuất khẩu nông sản, thủy sản gặp khó khăn cho thấy động lực tăng trưởng của khối trong nước không phải chủ yếu phụ thuộc tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản như các năm trước mà từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp"- Bộ Công thương đánh giá.
Mặc dù 2 năm nay, xuất khẩu của khu vực FDI đang có dấu hiệu kém cạnh so với khu vực doanh nghiệp 100% vốn nội, song Bộ Công thương nhìn nhận, xét về vai trò, doanh nghiệp FDI đã góp phần làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm khai khoáng, mặt hàng sơ cấp, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo (điện tử, máy tính và linh kiện, các sản phẩm từ nhựa, dây điện và cáp điện, xe đạp và phụ tùng...).
Trước năm 2003, dầu thô chiếm gần 50% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp FDI. Nhưng đến 9 tháng năm 2020, tỷ lệ dầu thô trong tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chỉ còn chiếm 1%.