Giá trị xuất khẩu được thông quan của Thái Lan tiếp tục tăng tháng thứ 17 liên tiếp (trong tháng 7), nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại còn 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng mạnh 11,9% trong tháng 6. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn trong tháng 7 chủ yếu là do lượng trái cây xuất khẩu giảm, tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn và các biện pháp phong tỏa tại một số thành phố lớn của Trung Quốc đã làm gián đoạn sản xuất và kéo dài thời gian giao hàng.
Liên đoàn Các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) cho biết, Thái Lan khó thoát được tác động khó chịu của “cuộc chiến kinh tế” mới vốn có nguy cơ làm giảm tốc xuất khẩu - hiện đang là động lực kinh tế quan trọng của đất nước. Theo Chủ tịch FTI Kriengkrai Thiennukul, tháng 5 năm nay, Bộ Thương mại công bố lĩnh vực xuất khẩu của nước này tăng 11,1%, nhưng trong những tháng còn lại của năm 2022, xuất khẩu có thể giảm tốc cho đến năm sau nếu tác động của cuộc chiến kinh tế gia tăng. Tương tự, theo ông Chaichan Charoensuk, Chủ tịch Hội đồng Vận tải quốc gia Thái Lan, lạm phát cao trên toàn cầu, giá năng lượng, giá cước vận tải và biến động giá cả, cũng như tình trạng thiếu nguyên liệu thô như chất bán dẫn, thép, ngũ cốc, thức ăn gia súc và phân bón… vẫn là những mối đe dọa chính đối với triển vọng các chuyến hàng xuất khẩu của nước này.
Ông Thitima Chucherd, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường kinh tế và tài chính của Trung tâm Tình báo kinh tế (EIC), cho biết, các nền kinh tế toàn cầu quan trọng bao gồm Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã và đang có dấu hiệu suy thoái rõ ràng hơn. Hoạt động sản xuất ở EU trong tháng 7 và tháng 8 đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, Tổng Giám đốc Công ty Giao nhận kho vận FedEx Corp của Mỹ, ông Raj Subramaniam, cũng vừa nhận định rằng nền kinh tế toàn cầu đang bước vào thời kỳ suy thoái.
Ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết: “Khu vực tư nhân Thái Lan đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Một vòng mới của cuộc chiến kinh tế dựa trên xung đột quốc tế đang trở nên rõ ràng. Mặc dù Thái Lan không trực tiếp tham gia, nhưng sẽ không tránh khỏi tác động vì thị trường châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của nước này. Quan trọng hơn, có thể dự đoán tác động gián tiếp đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là khả năng tăng giá của một số nguyên liệu thô và chi phí vận tải, ảnh hưởng đến Thái Lan. Theo ông Sanan, trước những rủi ro như vậy, giới doanh nhân Thái Lan nên thận trọng hơn trong kinh doanh; đồng thời cố gắng hết sức để đa dạng hóa rủi ro, chẳng hạn như tìm kiếm thị trường xuất khẩu, hoặc nhà cung cấp nguyên liệu mới, cũng như đưa ra các biện pháp bảo vệ trước rủi ro ngoại hối.
Các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột này lại cũng là những đối tác quan trọng của du lịch Thái Lan. Du lịch Thái Lan đã phải điều chỉnh chiến lược du lịch của mình bằng cách hướng nhiều hơn đến các thị trường Đông Nam Á, vốn ít bị ảnh hưởng hơn so với châu Âu và Mỹ. Các nhà lãnh đạo ngành du lịch đều đồng ý rằng, chỉ có Đông Nam Á mới có thể giúp giảm bớt tác động từ một cuộc suy thoái kinh tế có thể xảy ra.