Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2021 khép lại với hàng loạt khó khăn do tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, trong đó có ngành cá tra. Nếu như năm 2020, ngành hàng cá tra bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa tại các thị trường xuất khẩu chính, thì năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra đã bị tác động mạnh, làm cho toàn ngành gặp nhiều khó khăn. Riêng các tháng 7, 8 và 9-2021, diện tích thả nuôi cá tra giảm 30-55% và sản lượng giảm tới 17,9% so với cùng kỳ năm 2020, do nhiều địa phương ở ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tạm ngưng hoặc dừng hoạt động, do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”.
Trước bối cảnh đó, Bộ NN-PTNT đã kịp thời triển khai nhiều phương án như thành lập Tổ công tác đặc biệt 970, phối hợp với các Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Công thương và các địa phương để trực tiếp xử lý vướng mắc nảy sinh trong sản xuất; tổ chức một số hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, tiêu thụ thủy sản nói chung; tổ chức hội nghị riêng bàn về giải pháp phát triển ngành hàng cá tra... Nhờ đó, kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2021 vẫn duy trì tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm đạt 4,81 triệu tấn, tăng 1,1% so với năm 2020; trong đó sản lượng cá tra đạt 1,52 triệu tấn, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2021 đạt 1,62 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là cú lội ngược dòng ngoạn mục của ngành hàng cá tra trong năm 2021.
Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL báo tin vui khi gần đây giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng cao. Hiện nay, giá cá tra đang ở mức 29.500-30.000 đồng/kg, tăng 4.000-5.000 đồng/kg so với các tháng cuối năm 2021; giá này đảm bảo cho người nuôi lời nhiều. Có thể nói, giá cá tra nguyên liệu tăng là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất, tiêu thụ trong năm 2022, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sự phát triển “nóng trở lại” của ngành hàng.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam đang phục hồi và dự báo tăng trưởng tốt trong năm 2022; vì vậy khả năng giá cá tra xuất khẩu sẽ tăng, bởi các chi phí nuôi, vật tư, lao động, logistics… đều tăng. Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định, từ tháng 2 đến tháng 4-2022, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL dao động khoảng 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu cước phí tàu tiếp tục đứng ở mức cao như hiện tại và tăng thêm, thì giá cá tra nguyên liệu không thể tăng nhiều hơn nữa. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển trên thế giới tăng cao, đánh bắt biển cũng đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn… do đó sản phẩm cá tra của Việt Nam sẽ có chỗ đứng tốt hơn trên thị trường thế giới.
Từ những yếu tố trên, theo Bộ NN-PTNT trong năm 2022, ngành cá tra dự kiến kế hoạch sản xuất với sản lượng cá thương phẩm đạt 1,6-1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD…
Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương nâng cao chất lượng giống cá tra, chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm hao hụt, hạ giá thành sản xuất. Các doanh nghiệp và người nuôi tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi để đảm bảo ổn định đầu ra. Vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất. Khuyến cáo đến các hộ nuôi chưa tham gia liên kết với doanh nghiệp, tạm thời chưa thả cá lại, tiến hành nâng cấp điều kiện nuôi, tìm hình thức liên kết phù hợp để đảm bảo có kế hoạch sản xuất ổn định, hạn chế rủi ro do tác động của dịch Covid-19 và các yếu tố khác...