Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), đến cuối tháng 7-2018, các tỉnh ở ĐBSCL thả nuôi hơn 4.033ha cá tra thương phẩm (bằng 106% so với cùng kỳ 2017), diện tích thu hoạch là 2.335ha, sản lượng đạt 814.086 tấn. Các doanh nghiệp đã xuất khẩu cá tra đạt 1,2 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU... nhập khẩu cá tra nhiều nhất. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 289,8 triệu USD, chiếm 24,2% thị phần và tăng 40,6% so với cùng kỳ 2017. Hoa Kỳ là quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 với giá trị đạt 255,33 triệu USD, chiếm 21,3% thị phần và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2017. EU đứng vị trí thứ 3 với giá trị đạt 139,13 triệu USD, chiếm 11,6% thị phần và tăng 16,5% so với cùng kỳ 2017. Tiếp theo là khối ASEAN, Mexico, Brazil, Colombia, UAE...
Tính đến hết tháng 7-2018, diện tích ương cá tra giống tăng khoảng 800ha so với cùng kỳ 2017, đạt khoảng 3.587ha, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017. Ba địa phương có diện tích tăng cao là An Giang (tăng 8), Đồng Tháp (tăng 5%), Long An (tăng 160%).
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, việc sản xuất và tiêu thụ cá tra còn nhiều lo ngại. Điển hình như giá cá tra nguyên liệu thời gian qua tăng mạnh, kéo theo nhu cầu giống thả nuôi lớn, vì vậy nhiều hộ dân tại Long An đã tự phát chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang ương cá tra trong khi chưa am hiểu về kỹ thuật ương, kiểm soát chất lượng nước chưa tốt, nên nhiều diện tích ương giống bị nhiễm bệnh (khoảng 80%) và chất lượng giống kém. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn như: kiện chống bán phá giá, truyền thông tiêu cực tại EU; một số thị trường nhập khẩu đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về chất lượng… Vì vậy, các doanh nghiệp cần có giải pháp để bảo vệ sản xuất, giữ vững chất lượng, thương hiệu cá tra Việt Nam.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam đề nghị, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao, xây dựng dòng sản phẩm cá tra fillet cao cấp; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng. Nghiên cứu hình thành trung tâm logistics nghề cá cho ĐBSCL tại Cần Thơ. Trung tâm logistics đạt chuẩn quốc tế sẽ đảm bảo chất lượng hàng hóa của cá tra Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế như các trung tâm giao dịch quốc tế Trung Quốc, Singapore.
Đối với đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Việc xây dựng đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao, ổn định cung cầu về giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi; góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Năm 2018 là năm ngành xuất khẩu cá tra đột phá, có thể đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên, để ngành hàng này phát triển bền vững thì các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi đến chế biến, xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên hàng giá trị gia tăng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Xác định khâu liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp là quan trọng nhằm gia tăng xuất khẩu cá tra trong thời gian tới.