Xuất khẩu âm nhạc Anh: Được mùa vẫn lo

Nỗ lực của nước Anh trong giành thị phần khán thính giả trước sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt đã gặt hái thành công. Giá trị xuất khẩu âm nhạc của xứ sương mù trong năm 2023 đã tăng lên mức kỷ lục 775 triệu bảng Anh (hơn 1 tỷ USD).

Theo Cơ quan thương mại của ngành công nghiệp âm nhạc Anh (BPI), Anh là quốc gia xuất khẩu nhạc thu âm lớn thứ hai thế giới - sau Mỹ. Dữ liệu thống kê mới cho thấy, nước này tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng của ngành sản xuất âm nhạc trong năm ngoái.

Thị trường Bắc Mỹ và châu Âu vẫn là những khu vực lớn nhất về xuất khẩu âm nhạc ghi âm của Anh.

CN5 Anh1-1.jpg
Ca sĩ Adele và ca sĩ kiêm nhạc sĩ Ed Sheeran

Xuất khẩu âm nhạc của Anh, bao gồm doanh số bán nhạc Anh trên thị trường quốc tế thông qua nhiều phương tiện - từ phát trực tuyến đến các định dạng vật lý như CD và đĩa than, đã tăng 7,6% vào năm 2023.

Tuy nhiên, con số này chưa bằng phân nửa mức tăng trưởng 20% được ghi nhận năm 2022. Do đó, các giám đốc điều hành đã đưa ra những cảnh báo trong bối cảnh chính phủ đang xây dựng chính sách trí tuệ nhân tạo mới gây tranh cãi về việc sử dụng nội dung, bao gồm cả âm nhạc.

BPI cho biết, các nghệ sĩ Anh hiện chiếm chưa đến 20% trong số các nghệ sĩ có chương trình phát trực tuyến toàn cầu. Điều này đang đặt thị trường âm nhạc Anh trước thách thức chuyển đổi trọng tâm sang thị trường âm nhạc số hóa. Chiếm vị trí chủ chốt vẫn là ca sĩ Adele và ca sĩ kiêm nhạc sĩ Ed Sheeran.

Cả hai nghệ sĩ này nằm trong 100 nghệ sĩ được phát trực tuyến nhiều nhất năm 2023 của nhà cung cấp dữ liệu âm nhạc và giải trí Luminate. Trong danh sách còn có Arctic Monkeys, Dua Lipa, Harry Styles và Lewis Capaldi. Một loạt nghệ sĩ mới của Anh cũng đạt được dấu mốc có ca khúc hoặc tác phẩm âm nhạc thu hút hơn 1 tỷ lượt phát trực tuyến vào năm 2023, trong đó có Central Cee, Glass Animals, PinkPantheress và Raye.

Theo BPI, Anh đang cạnh tranh không chỉ với các quốc gia mạnh về âm nhạc như Mỹ, Canada mà còn với Mỹ Latinh và Hàn Quốc - nơi có những nghệ sĩ đang đạt được thành công lớn ở tầm quốc tế một phần nhờ vào sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ.

Dữ liệu gần đây từ Luminate cho thấy mức độ phổ biến của nhạc tiếng Anh đang giảm ngay cả ở Mỹ, vì nhạc Latinh chiếm thị phần lớn hơn. Ở nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ Latinh, nhạc tiếng địa phương đã thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc.

Chính phủ Anh dự kiến cuối năm nay sẽ tham vấn kế hoạch cho phép các công ty về trí tuệ nhân tạo thu thập nội dung từ nghệ sĩ, trừ khi họ từ chối. Tuy nhiên, những người làm trong ngành công nghiệp sáng tạo lập luận rằng kế hoạch này sẽ không công bằng, không khả thi, làm xói mòn thêm thế mạnh độc đáo của Anh trong âm nhạc và có lợi cho các công ty công nghệ muốn sao chép tác phẩm của họ.

BPI cũng đang yêu cầu chính phủ đưa ra các chính sách trong nước hỗ trợ khuyến khích các hãng thu âm đầu tư vào tài năng mới để giúp phát triển thế hệ tiếp theo. Theo Giám đốc điều hành BPI Jo Twist, ngành công nghiệp âm nhạc thu âm của Anh tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên sân khấu thế giới, nhưng cần làm tốt hơn nữa trước sự cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, khi các thị trường đối thủ phát triển với tốc độ nhanh.

Bên cạnh đó, BPI mong muốn chính phủ tiếp tục hỗ trợ chương trình tăng trưởng xuất khẩu âm nhạc, giúp các công ty âm nhạc vừa và nhỏ trong việc phát triển nghệ sĩ tại các thị trường nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục