Tuy nhiên, trước giờ tuyên án, xuất hiện một số tình tiết mới như các bị cáo khắc phục thêm hậu quả, do đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị lại mức án. Trước tình tiết này, chủ tọa phiên tòa Trần Nam Hà cho biết, tòa sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào sáng 11-7.
Trước đó, sáng cùng ngày, mở đầu phiên làm việc, đại diện Công ty Phúc Sơn cho biết, vài ngày trước đã cùng với đối tác là ông Trần Công Bình nộp thêm 768 tỷ đồng vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự Hà Nội.
"Đây là số tiền mà tập đoàn và đối tác nộp để khắc phục hậu quả vụ án cho ông Nguyễn Văn Hậu", đại diện doanh nghiệp nói.

Ngoài ghi nhận bị cáo Nguyễn Văn Hậu đã khắc phục tòa bộ hậu quả vụ án, viện kiểm sát cho hay, bị cáo Phùng Quang Hùng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũ) cũng vừa nộp khắc phục thêm 200 triệu đồng. Từ các tình tiết mới này, viện kiểm sát đã đề nghị lại mức án sơ thẩm đối với một số bị cáo.
Cụ thể, cơ quan công tố đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Văn Hậu từ 14-15 năm tù về tội "Đưa hối lộ" (mức đề nghị cũ là 17-18 năm tù); 11-12 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" (mức cũ 15-16 năm tù); từ 7-8 năm tù tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" (mức cũ 11-12 năm). Tổng hợp hình phạt, bị cáo Hậu bị đề nghị 30 năm tù.
Viện kiểm sát cũng đề nghị mức án đối với một số cựu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc do xét thấy các bị cáo đã có nhiều thành tích khi công tác, góp phần đưa tỉnh này phát triển. Theo đó, bị cáo Phạm Văn Vọng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũ), Phùng Quang Hùng và Hà Hòa Bình (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũ) cùng bị đề nghị từ 3-4 năm tù (mức cũ 4 năm đến 4 năm 6 tháng tù).
Như Báo SGGP đã thông tin, theo cáo buộc từ cơ quan truy tố, bị cáo Nguyễn Văn Hậu với vai trò là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sơn đã trực tiếp thực hiện, chỉ đạo nhân viên cấp dưới câu kết với các đơn vị khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về kế toán, về đấu thầu gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.160 tỷ đồng.
Bào chữa cho bị cáo Hậu tại tòa, luật sư Bùi Đình Ứng khẳng định, đủ cơ sở cho thấy Công ty Phúc Sơn đã nộp vào ngân hàng gần 770 tỷ đồng để chứng minh nghĩa vụ khắc phục hậu quả và xin dỡ phong tỏa 196 bất động sản.
Ngày 3-7, Công ty Phúc Sơn đã nộp 768 tỷ đồng vào tài khoản Cục thi hành án dân sự Hà Nội để khắc phục hậu quả vụ án.
Theo nội dung ủy nhiệm chi được lập ngày 3-7, số tiền trên được Công ty Phúc Sơn nộp khắc phục hậu quả thay cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cáo buộc.