Cần thiết đổi mới
Nếu để ý, người dân tham gia giao thông tại TPHCM có thể nhìn thấy trên nhiều tuyến đường xuất hiện hàng loạt biển báo giao thông mới, lạ được ngành giao thông từng bước triển khai lắp đặt trên địa bàn.
Tại giao lộ Trần Hưng Đạo - Calmette (quận 1) có một biển báo chỉ dẫn giao thông khá lạ, bởi trên cùng một biển báo là dấu hiệu cấm tất cả các loại phương tiện rẽ trái, đồng thời cấm quay đầu trái. Đây là biển báo kiểu mới chỉ dẫn giao thông được Bộ GTVT ban hành hồi đầu năm 2016 và được đánh mã số P.124c với nội dung “Cấm rẽ trái kết hợp cấm quay đầu trái”.
Trong khi đó tại nút giao thông Trường Chinh - Cộng Hòa (quận Tân Bình) có biển báo phân làn đường giao thông theo quy định mới của Bộ GTVT. Mặc dù biển báo này không phải mới vì trước đây vẫn có, nhưng cái mới trong biển báo phân làn đường hiện hành là các biểu tượng, hình ảnh trên biển báo được sắp xếp theo hướng cô đọng nhưng vẫn đảm bảo rõ ràng, thuận tiện và đầy đủ.
Tương tự, hàng loạt biển báo giao thông giống như biển báo mã số P.124c hoặc có điều chỉnh một phần nội dung như biển báo phân làn đường nêu trên có thể được nhìn thấy ở rất nhiều tuyến đường, giao lộ như trên các cung đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, 3 Tháng 2, Hùng Vương, Nguyễn Văn Cừ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Trỗi, Kinh Dương Vương, Hồng Bàng…
Việc Sở GTVT TPHCM thay mới hàng loạt biển báo chỉ dẫn giao thông trên địa bàn TP là thực hiện theo quy định mới do Bộ GTVT ban hành. Cụ thể là theo Thông tư 06/2016/TT-BGTVT ban hành ngày 8-4-2016, quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu giao thông đường bộ (gọi tắt Thông tư 06 hoặc QCVN 41:2016). Quy định này đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11-2016.
Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư 06, đó có thể là biển báo sửa đổi ý nghĩa, chẳng hạn như biển báo cấm rẽ trái, lâu nay theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012/BGTVT, thì được hiểu là “vừa cấm rẽ trái vừa cấm quay đầu xe”, nhưng nay theo tinh thần chỉnh sửa trong Thông tư 06 thì chỉ còn “Cấm rẽ trái”, tức phương tiện vẫn được phép quay đầu xe về bên trái.
Tuy nhiên, cũng có nhiều biển báo chỉ dẫn giao thông lần đầu xuất hiện và được áp dụng trong giao thông đường bộ trên cả nước. Tiêu biểu trong số này có thể nhắc đến biển báo “Cấm rẽ phải kết hợp cấm quay đầu phải”, biển báo “Cấm quay đầu bên phải”, biển báo “Cấm ô tô, taxi”, biển báo “Cấm xe sơ mi rơ-moóc”, biển báo “Tốc độ tối đa cho phép về ban đêm” hoặc biển báo “Nơi đậu xe một phần trên hè phố và yêu cầu xe phải đậu từ một nửa thân xe trở lên trên hè phố”…
Hoàn tất trong năm 2019
Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TPHCM), đến nay đã có khoảng 2.000 biển báo chỉ dẫn giao thông các loại được sở lắp đặt thay thế; trong đó chủ yếu là biển phân làn, biển cấm rẽ trái, rẽ phải và cấm quay đầu. Hiện các đơn vị chức năng thuộc Sở GTVT TPHCM vẫn đang tiếp tục rà soát để điều chỉnh các biển báo giao thông theo tinh thần quy định trong quy chuẩn mới.
Giới chuyên gia giao thông nhận xét rằng, ưu điểm của QCVN 41:2016, đó là đã cập nhật và điều chỉnh rất nhiều những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện theo Quy chuẩn năm 2012, tức QCVN 41:2012/BGTVT. Cụ thể như biển báo phân làn đường, cấm xe taxi, cho phép xe đậu một phần thân xe trên vỉa hè, vạch sơn tim đường màu vàng… Thực tế áp dụng thời gian qua trên địa bàn thành phố cho thấy, những điều chỉnh này đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phân luồng giao thông được rõ ràng hơn để người điều khiển phương tiện tuân thủ, còn lực lượng chuyên trách cũng dễ dàng trong công tác xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện những quy định mới nhất về báo hiệu giao thông đường bộ trên địa bàn TPHCM cũng có những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, việc định nghĩa ô tô tải trong quy chuẩn mới QCVN 41:2016 ít nhiều gây khó khăn cho công tác cắm biển báo “Cấm xe tải lưu thông vào giờ cao điểm”. Ngoài ra, do khối lượng biển báo giao thông trên địa bàn thành phố cần điều chỉnh nhiều nên đồng nghĩa cần nguồn kinh phí thực hiện lớn. Chỉ tính riêng khoản sơn tim đường theo đúng QCVN 41:2016 đã lên tới khoảng 72.200m2 cần sơn lại. Nhu cầu này ít nhiều cũng là khó khăn xét trong bối cảnh thành phố chưa cân đối được kinh phí để thực hiện. Có lẽ đó là lý do mà thành phố đề xuất trước mắt sẽ ưu tiên thực hiện việc sơn tim đường đối với tuyến đường không có dải phân cách, trong khi việc điều chỉnh sơn phân làn đường và một số biển báo cũ không gây hiểu nhầm, không hiểu sai khác so với quy định tại Quy chuẩn QCVN 41:2016 và còn sử dụng tốt thì sẽ được thay thế dần trong quá trình duy tu hạ tầng đường bộ. Toàn bộ việc điều chỉnh thay mới biển báo chỉ dẫn giao thông trên địa bàn TPHCM được Sở GTVT cam kết đảm bảo sẽ hoàn tất đúng kỳ hạn vào ngày 20-8-2019 theo yêu cầu của Bộ GTVT.
Hiện nay ở nhiều giao lộ, các phương tiện giao thông đi thẳng và rẽ trái khi dừng chờ đèn xanh, đều đứng lẫn vào nhau. Hậu quả, khi hết tín hiệu đèn đỏ, đèn xanh bật sáng, nhiều xe vướng vào nhau, loay hoay một lúc mới thoát ra được. Đặc biệt, nếu có ô tô rẽ trái thì dòng xe gắn máy 2 bánh đi thẳng gần như bị bít hết đường đi. Phải chờ ô tô rẽ trái xong, họ mới đi được. Thực trạng này đã làm khả năng “thoát” khỏi giao lộ của các phương tiện chậm lại, ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông.
Nên chăng, ngành chức năng nghiên cứu, bố trí 2 khu vực chờ xe tách biệt. Khu dành cho xe đi thẳng và khu dành cho xe rẽ trái. Hiện nay nhiều nút giao thông ở TP Cần Thơ đã có bảng hướng dẫn vị trí xe dừng chờ theo hướng đi và kết quả thu được rất khả quan. TPHCM có thể tham khảo kinh nghiệm này. Việc tuy nhỏ, nhưng chỉ cần ở mỗi nút giao thông tăng được thời gian “thoát đi” của các phương tiện sẽ giúp thông thoáng hơn.
Để góp phần giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, nhiều quận trên địa bàn TPHCM đã tổ chức hướng dẫn người điều khiển phương tiện trên đường thoát ra khỏi khu vực bị kẹt xe bằng các biển báo chỉ dẫn đi tắt vào các tuyến hẻm. Đây là giải pháp “chữa cháy” trong bối cảnh TPHCM rất thiếu hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, có một vấn đề, nhiều người khi đi vào hẻm lại không có ý thức giảm tốc độ. Họ phóng rất nhanh, trong khi đường hẻm có nhiều khúc quanh gấp, nhà dân tiếp xúc trực tiếp với hẻm (hẻm không có vỉa hè) và trẻ em hay chạy từ nhà ra hẻm… Do vậy, đề nghị bên cạnh bảng chỉ dẫn người đi đường thoát ra bằng các con hẻm thì nên có thêm bảng cảnh báo giảm tốc độ. Vì an toàn của người dân sinh sống trong hẻm, mong ngành chức năng sớm nghiên cứu và thực thi việc này.