Phát biểu tại đại hội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, phát triển kinh tế trang trại là xu thế tất yếu để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn, ngày càng khẳng định vị thế của mình. 10 năm qua, số lượng trang trại cả nước tăng 1,75 lần, từ 20.065 trang trại lên 34.348 trang trại, bình quân tăng 6,9%/năm. Các trang trại nông nghiệp sử dụng 184.000 ha đất, bình quân 5,3 ha/trang trại, thu hút khoảng 130.000 lao động thường xuyên ở nông thôn với thu nhập khoảng 4,9 triệu đồng/tháng. Doanh thu bình quân 3-5 tỷ đồng/năm/ trang trại.
Hiện nay, trang trại vừa sản xuất, kinh doanh vừa tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn ngày càng nhiều, cùng với việc tham gia chương trình mỗi làng một sản phẩm (OCOP). Đây là hướng đi mới, hiệu quả, nhiều tiềm năng phát triển. Kinh tế trang trại góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển nông sản hàng hoá, huy động lượng lớn nguồn vốn trong dân để phát triển.
Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư hướng dẫn xác định trang trại nông nghiệp dựa trên 2 nhóm tiêu chí: Năng suất (đất đai và lao động) và tính hiệu quả hoạt động. Đồng thời, Bộ đang chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; liên kết giữa kinh tế hộ, trang trại, hợp tác xã với doanh nghiệp để tổ chức lại sản xuất, tháo gỡ rào cản, xúc tiến phát triển thị trường, tiêu thụ nông sản. Những kết quả đạt được thời gian qua còn có sự đóng góp và vai trò của VFAEA trong việc tham vấn cho nhà nước tạo dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế trang trại.
Tuy vậy, các trang trại hiện nay đứng truớc không ít thách thức: Rủi ro thời tiết, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thị trường. Đó còn là vấn đề về quy mô sản xuất (đất đai, lao động, doanh thu) còn nhỏ; số lượng trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản chưa nhiều, mới chỉ áp dụng một số lĩnh vực và khu vực nhất định (chăn nuôi), 97% lao động trang trại chưa qua đào tạo. Vì vậy, Hiệp hội cần tiếp tục đổi mới, phát huy mạnh hơn nữa vai trò để cùng nhà nước đưa kinh tế trang trại phát triển, đáp ứng nhu cầu của hội viên.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Hiệp hội cùng ban ngành và địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm: Khuyến khích trang trại mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nâng cao giá trị hàng hóa các sản phẩm của trang trại thông qua đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích và đẩy mạnh sự liên kết giữa các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp; cũng như tham gia nhiều hơn vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm trên thị trường.
Hiệp hội chủ động xây dựng chiến lược, định hướng, hỗ trợ trang trại tham gia hiệu quả các chương trình, dự án như: chương trình OCOP, sản xuất hữu cơ, du lịch nông nghiệp - nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, Hiệp hội cần quan tâm hơn nữa việc đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, quản trị các chủ trang trại; phối hợp với đơn vị chức năng, doanh nghiệp liên kết với trang tại xây dựng các khóa đào tạo cho chủ trang trại và lao động làm việc ở trang trại.
Đại hội VFAEA bầu 62 người vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025. Kỹ sư Lê Duy Minh tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch VFAEA.