Chiều 18-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,5-12,5 độ vĩ Bắc và 116,5-117,5 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 320km về phía Đông Đông Bắc.
Tuy nhiên, hiện nay vùng áp thấp đang có xu hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Đến chiều 19-10 tâm áp thấp nhiệt đới sẽ ở vào khoảng 12,5 độ vĩ Bắc - 119 độ kinh Đông, cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 150km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Như vậy là vùng áp thấp nhiệt đới này có xu hướng dịch chuyển dần ra ngoài biển Đông.
Các mạng dự báo bão uy tín trên thế giới cũng cho rằng, áp thấp nhiệt đới ở khu vực Nam biển Đông sẽ bị siêu bão Lan ở phía Đông Philipines “hút” ra ngoài.
Hiện tại tâm áp thấp vẫn đang hoạt động ở Nam biển Đông nên vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông khu vực giữa biển Đông (bao gồm vùng biển Đông Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có mưa rào và dông mạnh, gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, trong cơn dông có khả năng giật cấp 8; sóng biển cao từ 2-3m.
Thời tiết tại TPHCM và Nam bộ đang chịu ảnh hưởng tương tác bởi gió Tây Nam, dải hội tụ nhiệt đới và rìa phía Nam của không khí lạnh tràn về Trung bộ. Hiện không khí lạnh đang có cường độ ổn định dần, ở phía Nam dải hội tụ nhiệt đới có trục vào khoảng 12-15 độ vĩ Bắc đi qua khu vực Nam Trung bộ.
Do ảnh hưởng kết hợp của dải hội tụ nhiệt đới và không khí lạnh nên đến hết ngày 19-10 ở các tỉnh Trung và Nam Trung bộ, phía Nam Tây Nguyên và Nam bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam lượng mưa 50-100mm; các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận mưa phổ biến 30-70mm. Các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và khu vực Nam bộ có mưa phổ biến 50-150mm. Ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, Ninh Thuận và Bình Thuận có mưa vừa mưa to nên được cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở.
Ngày 18-10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ký công văn hỏa tốc gửi các tỉnh ở miền Bắc và Bắc Trung bộ yêu cầu khẩn trương báo cáo hiện trạng phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để tìm giải pháp ứng phó trong thời gian tới.
Trong công văn, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình rủi ro thiên tai đang có chiều hướng gia tăng tại khu vực miền núi, đặc biệt là rủi ro thiên tai liên quan đến lũ quét, sạt lở, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và cơ sở hạ tầng. Tổng hợp báo cáo từ các địa phương từ giữa tháng 6-2017 đến nay lũ quét, sạt lở đã làm 148 người chết và mất tích, nhiều công trình bị hư hỏng, sạt lở… Ước tính thiệt hại lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.
Ban chỉ đạo yêu cầu các tỉnh đánh giá thực trạng công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất theo phương châm 4 tại chỗ; xác định nhu cầu cấp bách hiện nay để ứng phó và đề xuất các giải pháp công trình, phi công trình đảm bảo phù hợp với tình hình trước mắt cũng như ổn định lâu dài (có khái toán kinh phí cho các hạng mục)… gửi về Ban chỉ đạo trước ngày 27-10 để có giải pháp nâng cao năng lực, giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.