Xuất bản điện tử: 10 năm vẫn rối


Sau 10 năm thi hành Luật Xuất bản (năm 2012), nhiều vấn đề tưởng như “biết rồi, khổ lắm” nhưng vẫn phải “nói mãi”. Một trong số đó là câu chuyện xuất bản phẩm điện tử. 
Ngày nay, sách giấy không còn là độc tôn của ngành xuất bản mà có thêm nhiều hình thức với các nền tảng khác nhau
Ngày nay, sách giấy không còn là độc tôn của ngành xuất bản mà có thêm nhiều hình thức với các nền tảng khác nhau

 Nhiều khó khăn

Theo số liệu mới đây của Cục Xuất bản, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 21.027 xuất bản phẩm được thực hiện với hơn 361 triệu bản (tăng 3,1% về xuất bản phẩm, tăng 5,5% số bản so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, sách điện tử có sự tăng trưởng mạnh, với 1.142 xuất bản phẩm điện tử được thực hiện (tăng 104,6%), có thêm 2 nhà xuất bản (NXB) được xác nhận hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử là NXB Tri thức và NXB Kim Đồng, nâng tổng số NXB được hoạt động trong lĩnh vực này lên 13 đơn vị. Ngoài ra, có 10 doanh nghiệp đăng ký hoạt động phát hành xuất bản điện tử đã được Cục Xuất bản xác nhận. 

Thực tế thời gian qua cho thấy, phát triển thị trường xuất bản phẩm điện tử là một xu hướng, nhưng cũng là những bước đi đầy khó khăn, thử thách đối với các NXB, doanh nghiệp phát hành khi tham gia thị trường. 

Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, cho biết, từ năm 2012, đơn vị được cơ quan chủ quản cấp vốn 2,6 tỷ đồng để vận hành hoạt động Ebook (sách điện tử). Giai đoạn 2012-2019, NXB Tổng hợp TPHCM hoạt động như một đơn vị phát hành, đến năm 2019 mới bắt đầu được hoạt động xuất bản và phát hành sách điện tử. Sau 10 năm hoạt động, đơn vị nhận thấy lượng bạn đọc lẻ vẫn chưa thực sự phát triển mạnh, nhưng hệ thống thư viện tại các tỉnh thành, trường học lại rất tiềm năng, dự báo sẽ phát triển như một xu hướng tất yếu.

Cũng theo bà Đinh Thị Thanh Thủy, trong thời kỳ của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các NXB phải tập trung làm phong phú thêm xuất bản phẩm bên cạnh sách giấy. Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Ebook rồi Audiobook (sách nói) là xu hướng mà các đơn vị không thể đứng ngoài cuộc. Dù đã 10 năm trôi qua, nhưng khó khăn hiện còn rất nhiều. 

Ông Lê Thanh Hà, Giám đốc NXB Đại học Sư phạm TPHCM, cho biết, dù muốn làm sách điện tử, song nhìn vào bức tranh xuất bản điện tử hiện nay, ông không muốn làm nữa. Với quy định pháp luật như hiện nay, rất khó để làm sách điện tử. Chức năng xuất bản điện tử mặc định là chức năng của NXB, không cần phải xin giấy phép gì thêm. Vấn đề ở đây là luật chưa phù hợp với thực tế. Theo ông, “luật đã vô tình trói xuất bản, in, phát hành vào nhau, dẫn đến… thất bại”. 

“Đầu tư cho Ebook rất lớn nhưng công nghệ hiện nay lạc hậu rất nhanh. NXB của chúng tôi đang đứng trước sự bất cập đó. Thêm một khó khăn nữa là về nhân lực. Nhân lực để vận hành sách điện tử hiện nay chưa nhiều vì thu nhập chưa thu hút được họ. Đây cũng là thách thức lớn với NXB”, bà Đinh Thị Thanh Thủy cho biết.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, nhận định: “Trước đây, chúng ta chỉ có mối quan hệ giữa xuất bản và phát hành nhưng ngày nay chúng ta có thêm mối quan hệ giữa xuất bản, phát hành và các doanh nghiệp nền tảng. Nên ở đây có những câu chuyện rất phức tạp”.

Thành lập trung tâm bản quyền sách 

Một vấn nạn trở thành nhức nhối đối với các đơn vị xuất bản trong nước kéo dài trong thời gian qua là tình trạng vi phạm bản quyền. Giờ đây, không chỉ sách giấy mà xuất bản điện tử cũng chung số phận. “Trong khi chúng tôi phải vất vả để xin thủ tục, đăng ký, sản xuất, bán từng tựa sách thì trên các trang mạng, bằng kỹ thuật công nghệ, họ đã sao chép rất nhanh”, bà Đinh Thị Thanh Thủy cảm thán. 

Một độc giả trải nghiệm sách nói

Có một thực tế là cùng với khó khăn của việc đi tìm đối tượng ăn cắp bản quyền, phối hợp với cơ quan chức năng hiện nay cũng là một rào cản khá lớn với những đơn vị có sản phẩm bị sao chép. Ông Lê Thanh Hà thẳng thắn: “Đừng nghĩ đến việc đi kiện, vì chúng ta kiện được vài triệu đồng tiền xuất bản mà rất phiền. Thời gian đi kiện thiệt hại nhiều hơn là tập trung vào làm sách”. 

Từ đầu năm đến nay, NXB Đại học Sư phạm TPHCM đã từ chối cấp phép cho hơn 300 bản thảo có vấn đề về tác quyền. Theo ông Lê Thanh Hà, ở Việt Nam hiện nay, vấn đề bản quyền còn khó khăn rất nhiều, bởi ngoài việc trục lợi từ bên ngoài, những người trong cuộc cũng là một nguyên nhân. Rất nhiều bản thảo đến chỗ ông, phát hiện ra có nhiều chỗ vi phạm bản quyền, đơn vị không cấp phép nhưng sau đó các NXB khác lại cấp phép. 

Nhằm giảm thiểu vấn đề vi phạm bản quyền ở trong nước, ông Nguyễn Nguyên cho hay, trong đề án sắp tới, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền sách với 2 chức năng chính: hỗ trợ các đơn vị, tư vấn về thương thảo bản quyền. Trung tâm sẽ là đầu mối không chỉ về bản quyền giữa các đơn vị xuất bản mà còn là đầu mối giữa các trung tâm khác như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam… Đồng thời hỗ trợ tư vấn, kết nối mua bản quyền với các NXB, đơn vị của nước ngoài.

“Rất nhiều NXB hiện nay vô cùng lúng túng, muốn giữ “trận địa” sách in. Tôi cho rằng, sách in phải giữ nhưng nếu không hướng đến xuất bản điện tử, không sớm thì muộn, có muốn giữ cũng không được. Xuất bản điện tử là thị trường mới, phải có một hướng đi mới. Nếu không mạnh dạn bước vào sân chơi này, chúng ta sẽ thua trên sân nhà. Rồi đây các đơn vị khác từ nước ngoài vào, thậm chí các tác giả Việt Nam, sẽ in sách ở nước ngoài và bán cho độc giả Việt Nam, chúng ta dùng cách gì để khống chế?”, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết.

Tin cùng chuyên mục