Và một bến thuyền hoa neo đậu mỗi khi xuân về lại có dịp khoe sắc. Tuy ít nhiều đã vắng thưa người bán lẫn người mua, nhưng bến thuyền còn đó không chỉ mang hoa xuân về mà còn giữ lại một chút hương vị tết xưa của người phương Nam.
Còn đây một bến thuyền hoa
- Mua bông gì ghé lựa đi chị. Có mai bonsai chậu nhỏ mà đẹp lắm.
- Có vạn thọ với sống đời bông đỏ hông, lấy tui thêm chậu tùng cối rồi ràng lên xe giùm tui luôn nha.
Tiếng người mua trên bến, người bán dưới thuyền gọi nhau í ới, tiếng sóng nước vỗ mạn thuyền… một khung cảnh với những thanh âm làm người ta không khỏi xao xuyến, nhất là vào những ngày cuối năm. Rồi từ đây, hoa theo chân khách tủa đi khắp nẻo đường đô thị, mang sắc xuân về trên thành phố thêm lung linh.
Lo xong chuyện nhà cửa, bánh, mứt…, người thành phố có thói quen dạo chợ hoa, rồi tay xách nách mang về, nào kiểng, nào hoa để chưng trong nhà. Chợ hoa bến Bình Đông, nhiều người còn quen với cái tên “chợ hoa trên bến dưới thuyền” được xem là chợ hoa lâu đời nhất ở thành phố.
Theo nhiều người dân địa phương, Chợ hoa bến Bình Đông có tuổi đời cũng đã hơn 300 năm. Xưa nơi đây vốn nổi tiếng là nơi giao thương, buôn bán, vận chuyển nhiều loại hàng hóa… nay còn lại một bến thuyền hoa mỗi năm lại tụ về khoe sắc. Mỗi năm, lối 20 tháng Chạp âm lịch, những ghe hoa, kiểng từ miệt vườn các tỉnh Tây Nam bộ như Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long… với hơn cả trăm ghe, thuyền đổ về neo lại.
Dọc theo kênh Tàu Hủ (quận 8), con đường dài gần 3km rực rỡ hơn bao giờ hết với sắc màu của mai, vạn thọ vàng rực, mồng gà đỏ tươi hay phát tài, sống đời xanh mơn mởn. Vài năm trở lại đây, có thêm nhiều loại hoa kiểng mới theo xu hướng thị trường và nhiều người chuộng các loại hoa với những tên gọi may mắn như hoa kim ngân, cây ngân lượng, hoa cát tường… Nhiều chủ ghe còn tranh thủ bán thêm vài món trang trí thủ công mỹ nghệ làm từ dừa, tre, trúc, lục bình… để khách có thêm lựa chọn.
Gắn bó với chợ hoa này đã hơn 30 năm, vừa tranh thủ chất những chậu kiểng trên ghe xuống đường để khách tiện bề lựa chọn, chú Nguyễn Văn Hai (quê Chợ Lách, Bến Tre) chia sẻ: “Nhà dưới quê trồng bông, kiểng cũng mấy đời rồi, tới tui cũng vậy. Năm nào cũng ghé lên đây bán dịp tết, thành quen luôn, gắn bó với cái bến này mấy chục năm nay. Khách quen cũng bộn lắm, có khách ghé lại mua bông rồi hỏi thăm này kia như bà con ở xa luôn vậy đó”.
Cũng nối nghiệp gia đình với nghề trồng hoa kiểng, chị Hai Thanh (quê Vĩnh Long) cho biết: “Mấy năm nay, ông già lớn tuổi, không lên đây bán nữa, để lại cho hai vợ chồng tui bán luôn. Nhiều khách quen tới mua bông cũng hỏi tía đâu không thấy, nhiều khi bâng quơ mấy câu hỏi thăm vậy mà cũng vui lắm. Cả năm trời lên bán có một lần, mà khách người ta cũng nhớ hỏi thăm là quá quý”.
Không chỉ là chợ hoa lâu đời, chợ hoa “trên bến dưới thuyền” cũng là một trong những chợ hoa họp sớm nhất ở thành phố. Khách đổ về, nhìn, ngắm, lựa chọn những chậu hoa, kiểng ưng ý nhất để mang về nhà chưng.
“Tết nào cũng ra đây mua bông hết, năm nào mần ăn trúng mánh thì mua thêm tắc, kiểng, bonsai… Còn không thì cũng phải 5-7 chậu vạn thọ chưng trong nhà cho đẹp. Chợ ở đây buôn bán lâu rồi, người ta không có nói thách nên dễ mua lắm, thích mua bông ở đây cũng là vì chỗ đó”, anh Huy Hoàng (ngụ quận Bình Tân) cho hay.
Ai cũng thấy, Chợ hoa bến Bình Đông ngày càng được tổ chức bài bản hơn, an ninh, trật tự được đảm bảo. Vậy nhưng, ghe xuồng mỗi năm neo lại một trễ hơn, người bán, người mua cũng vắng thưa bớt. Tới chợ hoa đặc biệt này, giờ người ngắm hoa, chụp hình còn đông hơn người mua. Không ít những nam thanh, nữ tú, áo dài xanh, đỏ cũng ghé lại chợ hoa mỗi dịp tết đến để chụp hình lưu niệm. Nhiều thương lái thở dài: “Khách đi dập dìu nhiều hơn khách mua”.
Khách hàng có nhiều sự lựa chọn cũng phải, bởi trên nhiều tuyến đường ở thành phố đều có điểm bán hoa tết. Nhiều cửa hàng sang trọng ở khu vực trung tâm còn nhập khẩu các loại hoa đắt tiền, độc, lạ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng như hoa lily hai cánh, mai Mỹ, đào đông, mẫu đơn… với giá lên đến vài triệu đồng/cành - chậu. Hoa, kiểng miệt vườn đôi khi cũng khó mà theo kịp nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Dù vậy cũng không ít khách hàng “trung thành”, năm nào cũng ngóng trông những ghe hoa ghé lại, tìm người bán hoa năm trước để mua, rồi hỏi thăm mấy câu chuyện hoa trái, lúa mùa. Cô Kim Yến (ngụ quận 8) kể: “Thuở nhỏ thì theo ba, mẹ đi chợ hoa, rồi lớn lên lập gia đình cũng đi chợ hoa này. Năm nào cũng phải ra đây mua hoa với vài cây tắc về chưng trong nhà, không đi thì nhớ lắm!”.
Khách mua ít nhiều đã vãn bớt, nhiều ghe hoa sau vài buổi chợ, tầm 28-29 Tết cũng lo lui ghe về nhà đón tết. Một vài thương lái muốn kiếm thêm chút, mở ra dịch vụ cho thuê mai, bởi vài năm trở lại đây nhiều người chuộng việc thuê mai hơn là mua hẳn cây. Vì để chơi tết xong dọn dẹp đỡ phải chật nhà, không tốn công chăm sóc và tiết kiệm hơn là mua.
Các chậu mai cho thuê có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/mùa tết, tùy theo chậu lớn nhỏ và tạo hình, uốn nắn của từng chậu. Trước người ta về mạn quận 12, huyện Hóc Môn thuê mai kiểng, nhưng giờ ngay tại chợ hoa “trên bến dưới thuyền” này, dịch vụ cho thuê mai chưng tết cũng đắt khách không kém. Nhiều chủ ghe ở lại thành phố đón tết, hết 3 ngày tết, khách chơi mai tới trả lại cây, dọn dẹp xong mới lui ghe về quê.
“Để nhà cho bà xã với sắp nhỏ lo tết, tui ở lại bán với cho thuê mai kiếm thêm chút, để dành ra giêng có cái mà xài”, ông Năm Hoàng (quê Chợ Lách, Bến Tre) chia sẻ. “Mà ăn tết trên này cũng hổng thiếu gì đâu nha, bà con gần đây thấy mình ở lại buôn bán đem qua cho thịt kho, củ kiệu… Ăn tết xa nhà, mà bớt nhớ nhà là vậy”, ông Năm Hoàng kể thêm. Rồi bạn hàng ở lại bán mấy ngày tết, ghe người này đậu kế ghe người kia, tới bữa cơm hai ghe thành một. Ai có đem theo món gì dọn ra món nấy, tới bữa cơm ngồi ăn như anh em trong nhà.
Không khí nhộn nhịp của Chợ hoa bến Bình Đông những ngày tết xưa đã phai nhạt nhiều. Thưa dần những tiếng í ới, chỉ còn tiếng sóng nước vỗ mạn thuyền. Đôi mắt những người chủ ghe thoáng buồn. Nhưng nhờ có họ, vẫn còn đó một bến thuyền hoa, một nét duyên của chợ tết xưa giữa lòng thành phố.