Căn nhà 2 tầng trên đường Bạch Mã (phường 15, quận 10, TPHCM) thường mọi ngày khá yên tĩnh, vắng vẻ, nhưng hôm nay rộn rã hẳn lên. Ở phòng sinh hoạt, trên tấm bảng học hàng ngày tô điểm thêm hình cành mai vàng rực rỡ. Nơi đây là Mái ấm Ánh Sáng, đang nuôi dưỡng các cháu có hoàn cảnh đặc biệt của thành phố và các tỉnh, thành lân cận.
Các cháu ở Mái ấm Ánh Sáng quấn quýt quanh bà Tống Thị Văn để nghe bà dặn dò, kể chuyện
Bà Phạm Thị Ngọc Ẩn, Chủ nhiệm Mái ấm Ánh Sáng, cho biết: “Mái ấm Ánh Sáng hoạt động từ năm 1989, hiện đang nhận nuôi dưỡng 20 cháu nữ độ tuổi 6 - 17. Các cháu đến mái ấm bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng đều chung một hoàn cảnh. Đó là khó khăn trong cuộc sống, thiếu người nuôi dưỡng. Ở đây các cháu được học phổ thông các cấp. Sau đó, nếu có nguyện vọng thì các cháu sẽ được giới thiệu học nghề. Không như các mô hình khác, chúng tôi phân công nhau ở lại đêm với các cháu”.
Vừa gặp khách đến thăm mái ấm, cháu nào cũng khoanh tay lễ phép chào hỏi. Khi chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp, các cháu xúm lại quấn quýt xung quanh. Một số cháu nhỏ còn trèo vào lòng và mân mê sổ tay, bút viết. Các cháu đều xem bà Ẩn như mẹ và tỏ ra rất vâng lời. Bà Ẩn nhớ và kể vanh vách hoàn cảnh gia đình của từng cháu, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, bà Ẩn đều trao đổi thật nhỏ, hay bảo các cháu xuống bếp phụ các cô nấu nướng thức ăn, vì không muốn các cháu phải biết và chạnh lòng. Ít ai ngờ rằng phía sau những khuôn mặt tươi sáng như thiên thần ấy lại ẩn chứa quá nhiều bất hạnh.
Bà Ẩn nói thật nhỏ: “Tuy còn nhỏ, nhưng các cháu rất dễ tủi thân. Cháu Giàu mới 6 tuổi nhưng rất biết thân phận, mình mà nhắc hoàn cảnh trước mặt cháu là cháu buồn bã lắm. Mẹ bỏ đi khi bé vừa 6 tháng tuổi. Ông bà ngoại thì quá khổ, đang quét rác ở chợ. Đã vậy, bà ngoại còn bị tai biến, chúng tôi biết được tình cảnh như vậy, liền đưa cháu về mái ấm. Các cháu khác cũng khó khăn không kém, có cháu sống lây lất với gia đình ở công viên hay đường phố, không được học hành… Thương lắm!”.
Buổi họp mặt tất niên tại mái ấm đã diễn ra rất đơn sơ nhưng không kém phần trang trọng với sự có mặt của các cô chú ở Phòng LĐTB-H quận 10, chính quyền địa phương và Hiệp hội Bảo trợ trẻ em Christina Noble (đơn vị đang bảo trợ mái ấm).
Bà Tống Thị Văn, Tổ trưởng Tổ dân phố 81, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên ghé thăm mái ấm để hỗ trợ các cô và gặp gỡ các cháu. Nghe các cháu gọi bà ngoại, mà mát cả lòng”.
Cháu nào cũng nhận được quà tết. Các cháu có thành tích cao trong học tập còn được thưởng thêm hiện vật. Cô Nhung, nhân viên mái ấm, cho biết: “Tôi học ngành Xã hội học và ra trường là về đây công tác luôn. Coi như đúng ngành nghề mình đã chọn. Thu nhập không cao, hơi vất vả, nhưng được cái là rất hạnh phúc vì được góp sức mình mang đến cho các cháu niềm vui, chỗ dựa vững chắc. Năm qua, các cháu đã có thành tích khá tốt trong học tập. Mái ấm đã tạo điều kiện để các cháu tham gia những cuộc thi ngoại khóa, như Nét vẽ xanh, thi điền kinh ở quận 10, và cũng nhận được kết quả khả quan. Để các cháu yên tâm sống, học tập, sinh hoạt, chúng tôi cố gắng hết sức để cho các cháu cảm nhận mái ấm là nơi thật sự hạnh phúc”.
Sống trong môi trường tự lập, các cháu khá chững chạc trong giao tiếp và ứng xử. Cháu Ái Mỹ (16 tuổi) rất vui cho biết: “Năm nay con sẽ được bà ngoại đón về quê nhà ăn tết. Về thăm ông bà cũng vui, nhưng con nhớ các cô ở mái ấm lắm”.
Hàng năm, cứ vào giữa tháng Chạp, các cô ở Mái ấm Ánh Sáng lại liên hệ với gia đình để tạo điều kiện cho các cháu về nhà ăn tết. Năm nay, tình hình có khả quan hơn. Chỉ còn vài cháu vì lý do nào đó mà chưa có điều kiện về ăn tết với gia đình. Mái ấm Ánh Sáng vẫn sẵn lòng tạo điều kiện cho các cháu vui xuân. Các cháu nào không được về ăn tết với gia đình sẽ được các cô đưa đi những khu vui chơi giải trí để xem phim, ca nhạc…