Như một giấc mơ
Hàng ngàn người nghèo “sống mòn” trên Thượng Thành - khu vực 1 Di tích Kinh thành Huế, mưu sinh bằng nghề đạp xích lô, bán vé số, hàng rong... thường chỉ mơ ước có bao gạo, vài ba cân thịt, cá mỗi dịp tết đến xuân về. Nhưng năm nay, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, 492 hộ dân nằm trong khu vực giải tỏa đầu tiên để thực hiện dự án đầu tư, bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế đang đón tết trong tâm thế thỏa ước mong, “an cư để lạc nghiệp”.
Bà Hà Thị Nở (62 tuổi, phường Thuận Thành, TP Huế) sống trong ngôi nhà dột nát, rộng chưa đầy 40m2 với 6 nhân khẩu đã 40 năm nay, tâm sự: “Đây là cái Tết cuối cùng của gia đình tôi ở ngôi nhà cũ. Tết này, cả nhà sẽ tụ họp, chụp ảnh kỷ niệm để nhắc nhở nhau về thời kỳ từng sống khó khăn cơ cực”.
Còn với ông Lê Tâm Chủng (phường Thuận Hòa, TP Huế) là gia đình có 1 hộ chính và 2 hộ phụ, với 13 nhân khẩu sinh sống trên Thượng Thành, được cấp các lô đất xây nhà tại khu tái định cư Hương Sơ thì tâm trạng nôn nao, mừng vui lẫn lộn. Mừng vì không lâu nữa, vợ chồng ông, các con và các cháu sẽ rời bỏ ngôi nhà cũ, chuyển về nơi ở mới, chấm dứt cảnh bám nhờ di tích.
“Lo đủ thứ, nhưng được chuyển đến nơi ở mới, không chỉ chấm dứt những năm tháng sống trong chật hẹp trên Thượng Thành, mà còn mở ra một tương lai tươi sáng cho các thế hệ tiếp theo của gia đình. Từ hôm gia đình được nhận tại khu tái định cư Hương Sơ để xây nhà, ngày nào tôi cũng đạp xe, chở cháu ra thăm. Xem đi, rồi xem lại vẫn ngỡ như giấc mơ vì khu tái định không chỉ có vị trí thuận lợi mà còn được đầu từ cơ sở hạ tầng đầy đủ, có cả trường mầm non cho trẻ học học tập… Bà con hàng xóm cũng đi thăm khu đất mình sắp được làm chủ mỗi ngày”, ông Lê Tâm Chủng hồ hởi cho biết.
Khu tái định cư Hương Sơ nay đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sẵn sàng đón 492 hộ dân đầu tiên trong Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1, hệ thống di tích Kinh thành Huế về xây nhà.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế thông tin, để di dời hơn 4.200 hộ dân khỏi khu vực I di tích, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã lập quy hoạch Khu tái định cư ở phường Hương Sơ và An Hòa của TP Huế với diện tích gần 78ha. Trong đó, 492 hộ dân sống ở Thượng Thành di dời đầu tiên.
TP Huế đã công bố 8 mẫu nhà được xây dựng ở khu quy hoạch phường Hương Sơ để bà con tham khảo và thống nhất chọn mẫu nhà để xây dựng đồng bộ ở từng khu vực.
“Ngoài việc hỗ trợ 100% giá trị về đất bằng giá trị đền bù đối với trường hợp lấn chiếm đất di tích làm nơi ở, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1, Kinh thành Huế của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn kèm theo nhiều chế độ ưu đãi khác có lợi cho dân, như: hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm cư, hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ di chuyển chỗ ở và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, hỗ trợ khi nhà nước giao đất. Đây là bước đột phá giúp địa phương giải quyết điểm nghẽn về cơ chế chính sách kéo dài nhiều năm qua đối với dự án này”.
Tất cả vì người dân
Cả hệ thống chính trị tỉnh Thừa Thiên - Huế đều thống nhất, đồng lòng quyết liệt thực hiện đúng kế hoạch đề ra, trong tâm thế “đếm ngược” để dành những gì tốt nhất cho những hộ dân Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1, hệ thống di tích Kinh thành Huế.
Ông Trần Văn Cẩm (tổ trưởng tổ 14, phường Thuận Lộc) cho biết, trong đợt di cư đầu tiên toàn tổ có 100 hộ, trong đó 16 hộ nghèo. Tất cả đều chấp hành và đồng thuận cao chủ trương của nhà nước.
“Ra tết di dời là đẹp nhất, vì trước tết mà di dời bà con cũng chưa thể làm nhà được, chưa kể nếu giao tiền hỗ trợ sớm dễ tạo nhiều hệ lụy tiêu cực”, ông Cẩm nói.
Còn bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc cho biết, trong số 492 hộ dân ở Thượng Thành di dời, trả mặt bằng cho di tích trong đợt đầu tiên, Thuận Lộc là phường có số hộ đông nhất, gồm 134 hộ chính và 129 hộ phụ.
Việc chuẩn bị di dân, phía người dân cũng thống nhất, nên đến nay mọi việc đã đâu vào đấy. Ấn tượng nhất là nhiều hộ dân còn viết đơn xin đi trước thời hạn giao đất, để được hưởng chính sách khen thưởng của nhà nước.
Tết Canh Tý 2020 cận kề, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh UBND Thừa Thiên - Huế trực tiếp chứng kiến các hộ dân trong đợt di dời đầu tiên ra khỏi khu vực 1 Di tích Kinh thành Huế bốc thăm, nhận được các lô đất tái định cư để xây nhà ở ổn định lâu dài.
“Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ là cái tết ý nghĩa vô cùng đối với bà con, cái tết cuối cùng tại nơi ở mà lâu nay bà con đã gắn bó. Tuy nhiên đây là trách nhiệm của xã hội, của nhà nước và của các hộ dân lâu nay sống trên di sản. Với quyết tâm cao, đồng thuận cao thì tết sang năm, tôi mong muốn sẽ được thăm bà con ở những ngôi nhà mới đẹp hơn, khang trang hơn ở nơi tái định cư kiểu mẫu. Muốn vậy, ra tết bà con hãy bắt tay ngay vào việc xây nhà mới, nếu cần giúp đỡ gì cứ đề đạt nguyện vọng lên chúng tôi...”, ông Phan Ngọc Thọ chia sẻ với hàng ngàn người dân được thỏa ước mong có được nơi an cư lạc nghiệp bấy lâu nay.
Đến thăm hỏi và tặng quà tết cho các gia đình hộ nghèo thuộc diện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, ông Phan Ngọc Thọ cho biết: Tiền đền bù, hỗ trợ cũng đã có sẵn, song chúng tôi đang tạm giữ lại, ra tết rồi mới trả cho bà con. Chính quyền muốn điều tốt nhất cho bà con. Nếu đưa tiền trước tết thì sợ bà con tiêu mất rồi sau đó không có tiền làm nhà tại nơi ở mới thì hỏng. Lãnh đạo tỉnh sẽ làm việc với Quân khu 4, nhờ hỗ trợ lực lượng cùng các lực lượng xung kích địa phương đến giúp người dân dọn đồ đạc, di dời đến nơi ở mới.
Ngay sau tết, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, chính quyền sẽ lo toan việc thực hiện xây dựng 35 căn nhà theo mẫu thiết kế cho các các gia đình hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi nhận đất tái định cư nhưng không đủ tiền xây nhà.
Cùng với 492 hộ dân đầu tiên, trong năm 2020, Thừa Thiên – Huế phấn đấu tiếp tục di dời khoảng 500 hộ dân khác và ưu tiên các hộ ở khu vực cao. Năm tiếp theo, số lượng dân cư được di dời sẽ tăng gấp gần 4 lần với khoảng 2.400 hộ.
"Chính quyền cố gắng làm những điều trọn vẹn nhất, trách nhiệm nhất với bà con. Về phần mình, đề nghị bà con tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, lắng nghe, cầu thị để cùng thực hiện di dời một cách tốt nhất, không để những vướng mắc nhỏ trở thành lực cản lớn. Chính quyền sẽ cố gắng hết sức để bà con được đến một nơi ở mới hiện đại, tiện nghi, đảm bảo xanh - sạch - sáng”, ông Phan Ngọc Thọ nói.