Sang năm 2018, ông đã bước vào tuổi 76 và vẫn đang miệt mài vừa vẽ, vừa dạy học trò ngay trên miền đất Tân Biên, mà có người từng gọi là miền Đất thánh của cách mạng.
Tải đạn ra tiền tuyến, 1-4-1968
Vài năm trước đây, cũng đã có lần ông về tham gia triển lãm cùng Phân hội Mỹ thuật tại hội VHNT tỉnh Tây Ninh. Nhưng, những khuôn tranh nho nhỏ ấy bày cạnh những bức sơn dầu hoành tráng đã như bị chìm đi, ít người để ý. May mà lần ấy, ông cũng vừa đem tập ký họa ấy về Hội Mỹ thuật TPHCM, và được Hội đề nghị mua ngay cho Bảo tàng Mỹ thuật. Mua xong, Bảo tàng còn chụp lại tặng cho tác giả file ảnh làm kỷ niệm. Tôi là người may mắn được ông cho chép lại, để như ông nói: Khi cần thì sử dụng!
Chép lại hầu như toàn bộ gia tài tranh kháng chiến của ông, tôi cũng chưa ngờ được rằng trong đó lại có tới 14 bức vẽ trong mùa xuân Tổng tiến công và nổi dậy ở Tây Ninh năm 1968. Cho đến gần đây, khi cả nước đang kỷ niệm 50 năm mùa xuân năm ấy (1968- 2018), mới giở lại xem.
Tôi ngỡ ngàng như được thấy mùa xuân oanh liệt hào hùng ngay trên quê hương Tây Ninh đang hiển hiện và chỉ biết ôm đầu, kêu lên sung sướng. Vâng! Làm sao không sung sướng cho được khi gặp lại những nụ cười, những vóc dáng thân thương mềm mại của các bạn nữ học sinh Trường Hoàng Lê Kha đi tải đạn vào ngày 21-1-1968, trước tết 10 ngày.
Tổ trinh sát D14, 4-1968
Rừng cao su như măng mọc. Các bạn ngồi nghỉ chân bên những thùng đạn lớn hơn người. Chàng họa sĩ trẻ mới 26 tuổi kia ơi! Cảm ơn chàng vì bức tranh đã giữ lại đầy đủ những nét duyên dáng, dịu dàng của những cô thiếu nữ còn chưa đến tuổi 20. Nghe kể, có cô như Thắm mới chỉ 15 tuổi. Những mắt bồ câu, những mái tóc thề và cả những đường nét thanh tân của Tuổi trẻ Tây Ninh “xuống đường” trong mùa Xuân 68.
Còn đây là bức vẽ trận đầu: Đại đội 5 pháo kích vào tiểu khu quân sự Tây Ninh vẽ ngày 30-1-1968 (ở đây có lẽ họa sĩ đã ghi nhận nhầm, vì chính xác là đêm mùng 2 tết, tức rạng ngày mùng 3-2-1968). Các chiến sĩ, người căn chỉnh nòng súng, người ôm đạn nạp vào nòng… với một bố cục tranh đẹp. Ký họa này rất sống động nhờ các chi tiết như dép cao su, chiếc bình - tông bên hông chiến sĩ và cả những cành lá ngụy trang giống lá cao su. Cảm phục hơn nữa là để vẽ nó, họa sĩ cũng đã cùng các chiến sĩ trên tuyến đầu ra trận, bất chấp những đạn nổ bom rơi có thể hy sinh bất cứ lúc nào.
Ở trận Long Mỹ, họa sĩ vẽ “tiểu đoàn 14 đánh phản kích” mới dữ dội làm sao. Khi các chiếc sĩ xông lên dưới ngút trời lửa đạn và ngay trước mặt là những nòng pháo xe tăng Mỹ. Trận này, trong ký ức của Trung tướng Công an Nguyễn Minh Dũng, nguyên là học sinh Hoàng Lê Kha tham gia dân công hỏa tuyến xuân 1968, kể lại: “Trận Long Mỹ được ghi lại trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, là một sự kiện quan trọng của lịch sử đấu tranh cách mạng ở tỉnh nhà…” Đoạn lịch sử này được họa sĩ kịp ghi lại bằng tranh, rõ ràng sống động hơn bao giờ hết.
Ngày 30-1-1968, C5 pháo kích vào tiểu khu Tây Ninh
Có những bức tranh lại làm vang dậy trong ta những bài ca không bao giờ cũ. Như bức “D1 qua sông Vàm Cỏ tiến quân vào thị xã xuân Mậu thân 1968”. Xem là lập tức nhớ ngay những giai điệu hào sảng một thời: “Hò khoan chị em đưa mái chèo/ Đưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo/ Đường hành quân các anh đi khắp nẻo/ Vì quê hương mà anh chẳng ngại gian lao…” Dòng sông “Vàm Cỏ Đông ta quyết giữ” năm 1968 là đây ư? Vẫn trong veo và lộng bóng trời đêm (hay lúc đã muộn chiều).
Có cả hai bức ký họa về “báo nhà” nữa chứ! Có thể sau một đợt ra trận tuyến đầu, họa sĩ lại tạt về hậu cứ. Để kịp vẽ cảnh “Nhà in Hoàng Lê Kha in báo xuân Mậu Thân ở địa điểm dã chiến”. Tờ báo ấy đã kịp in ra rồi đây, ngay trong tháng 2-1968 mang tựa đề Chiến Thắng, để các cô dân công xúm xít bên nhau đọc giữa một chặng hành quân (Đọc báo xuân Mậu Thân _ 2-1968).
Chẳng thể nào “miêu tả” nổi bộ tranh ký họa này đâu! Khi đấy là cả một chương lịch sử anh hùng của quân dân Tây Ninh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mâu Thân 1968. Có chăng, cũng chỉ là vài nét về bố cục, họa hình, chi tiết… Nhưng, còn cái khí thế hừng hực và tinh thần tỏa sáng từ cả người vẽ và người được vẽ một mùa xuân 50 năm trước, chúng ta chỉ có thể cảm nhận mà không thể nói bằng lời.