Cơ hội cũng đang mở ra cho thị xã trẻ này khi sắp tới đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài chạy ngang qua Trảng Bàng được xây dựng, giúp phát triển tiềm năng khu công nghiệp, du lịch - dịch vụ.
Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Trảng Bàng đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều bước tiến trên con đường phát triển, trở thành một cực phát triển phía Nam của tỉnh Tây Ninh, với nhiều khu, cụm công nghiệp mọc lên, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thuần nông sang công nghiệp - dịch vụ thương mại - du lịch. Nay, với việc Trảng Bàng khoác tấm áo đô thị mới, người dân đang kỳ vọng vào sự đổi thay.
Ở lĩnh vực du lịch - dịch vụ, Trảng Bàng nằm cạnh hệ thống địa đạo Củ Chi (là một điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước khi tìm hiểu về chiến tranh) và cũng có sẵn địa đạo An Thới, nên cần chủ động có kế hoạch kết nối với ngành du lịch TPHCM, ký kết với các công ty du lịch, hãng lữ hành để nối tour tuyến từ địa đạo Củ Chi lên Trảng Bàng, hoặc kết nối để Trảng Bàng trở thành điểm dừng trên tuyến du lịch xuyên biên giới TPHCM - Phnom Penh (Campuchia).
Việc đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài sắp được xây dựng đi xuyên qua Trảng Bàng, sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển các dự án khu đô thị - thương mại hiện đại, phục vụ cho nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, người lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn.
Nói về các nhiệm vụ phát triển thị xã Trảng Bàng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho rằng: “Thị xã cần chú trọng đến công tác quy hoạch một cách hợp lý, khoa học, có tính bền vững lâu dài; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác các tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, để qua đó nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở địa phương, gắn với các sản phẩm đặc trưng như bánh tráng phơi sương, đồ rèn, mây tre lá, bánh canh Trảng Bàng. Đặc biệt, thị xã cần có định hướng, kế hoạch cụ thể nhằm thu hút, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xem đây là vấn đề then chốt quyết định cho sự thành công trong chiến lược phát triển của thị xã”.