Tài chính xanh là các khoản đầu tư tài chính vào dự án và giải pháp phát triển bền vững, khuyến khích phát triển một nền kinh tế bền vững, gồm: năng lượng tái tạo; nông nghiệp, sản xuất bền vững và cơ chế; dự án thân thiện với môi trường. Trong đó, tài trợ xây dựng các trang trại gió hoặc nhà máy điện mặt trời là những ví dụ điển hình về tài chính xanh.
Tại Việt Nam, Chính phủ và các tổ chức tài chính đã và đang triển khai nhiều chương trình để thúc đẩy phát triển tài chính xanh. Trong đó, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng, bằng cách cung cấp vốn cần thiết cho các dự án hướng tới phát triển bền vững; đánh giá tính khả thi của các dự án xanh; quản lý rủi ro tài chính và đảm bảo rằng nguồn vốn được sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các dự án xanh thường có những yếu tố rủi ro cao, do tính mới về mặt giải pháp hay công nghệ thực hiện. Ví dụ, một ngân hàng tài trợ cho công nghệ nhiên liệu sinh học mới phải xem xét khả năng thất bại công nghệ hoặc sự từ chối của thị trường.
Doanh nghiệp (DN) là những đơn vị trực tiếp dấn thân vào các dự án xanh, triển khai các công nghệ và thực hành phát triển bền vững. Song, đa phần DN gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn tài trợ các dự án xanh. Rủi ro môi trường là một thách thức lớn đối với các DN trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Trong khi các dự án xanh thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi dài và rủi ro cao. Nếu chỉ một mình DN gánh vác, rất khó để có thể duy trì và tiến tới phát triển bền vững. Ngược lại, khi cung cấp vốn vay cho các dự án xanh, ngân hàng cùng lúc đối mặt với rủi ro môi trường, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro pháp lý.
Ngoài ra, còn có thách thức lớn khác mà DN phải vượt qua, đó là: nhiều DN vẫn chưa có đủ thông tin về các chính sách hỗ trợ tài chính xanh; năng lực quản lý rủi ro ở nhiều DN còn hạn chế; các quy định pháp lý rõ ràng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho tài chính xanh phát triển.
Những thách thức, khó khăn đó đòi hỏi cần đồng bộ triển khai 4 hành động. Thứ nhất, tăng cường thông tin và đào tạo. Theo đó, tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo để nâng cao nhận thức và năng lực cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Thứ hai là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý. Đây là vấn đề lớn mà Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án xanh. Thứ ba, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức quốc tế, như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC)… để tận dụng nguồn vốn, kinh nghiệm triển khai cho vay và quản lý rủi ro các dự án xanh. Thứ tư là sự chủ động của ngân hàng. Các ngân hàng cần xem tài chính xanh là một chiến lược; sẵn sàng về nguồn vốn tài chính xanh; có chính sách phù hợp, hệ thống quản lý rủi ro đặc thù để đồng hành với DN trong chuyển động xanh.