Bối cảnh này đã và sẽ buộc các cơ quan báo chí phải thay đổi để tồn tại và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, PV Báo SGGP đã ghi nhận nhiều ý kiến chuyên gia của Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM xung quanh nội dung này.
* Tiến sĩ Triệu Thanh Lê:
Những nội dung đào tạo mới
Có thể khẳng định hiện nay những thay đổi trong bản chất của “nghề báo” và “công chúng” đã tác động đến xu hướng đào tạo của các trường báo chí, cụ thể ở các hướng: Trang bị các kỹ năng tác nghiệp tích hợp để người làm báo có thể tác nghiệp trên mọi nền tảng; quan tâm đến các thị trường tin tức ngách; giúp hình thành ở người học tinh thần doanh nhân để có thể chủ động kết nối, sáng tạo và có khả năng kinh doanh sản phẩm tin tức của mình.
Với kỹ năng tác nghiệp, các chương trình đào tạo báo chí trên thế giới hiện nay không còn phân chia theo loại hình như báo in, truyền thông điện tử như trước mà đã tích hợp kỹ năng làm báo của các loại hình. Sự tích hợp bao gồm cả: Tích hợp theo kiểu hàng ngang giữa kỹ năng của các phương tiện khác nhau (như: viết, ghi âm, chụp ảnh, quay phim, kiểm chứng thông tin, biên tập, xử lý dữ liệu, thực hiện các đồ họa thông tin); tích hợp kỹ năng theo hàng dọc, tức là các kỹ năng của một quy trình làm báo (từ việc săn tin, tư duy đề tài, sáng tạo sản phẩm báo chí, công bố trên các nền tảng truyền thông khác nhau và tương tác với bạn đọc, hiểu kết cấu và ảnh hưởng của kết cấu mạng lưới xã hội đến bạn đọc). Mục đích cuối cùng của chương trình đào tạo là giúp cho người học có thể hoàn toàn chủ động với tất cả các khâu trong hoạt động báo chí chuyên nghiệp.
* Thạc sĩ Phan Văn Tú:
Báo chí phải được định vị lại
Nền báo chí Việt Nam hiện đang trong quá trình thay đổi - một sự thay đổi phù hợp với đặc thù của mình. Đó là sự thay đổi nếp tư duy làm nghề từ mô hình cũ sang mô hình mới một cách chậm chạp với những bước đi thăm dò: Mang đến những nội dung công chúng cần, chứ không phải sản xuất nội dung mình có. Công chúng vừa là đối tượng phục vụ, vừa là người tiêu dùng tin tức của báo chí, nhưng đồng thời lại là kênh phân phối, kênh PR - quảng cáo và “đồng chủ thể” sáng tạo của báo chí.
Sự phát triển của công nghệ, hạ tầng viễn thông đã tạo ra lớp công chúng truyền thông đón nhận nội dung thông tin qua thiết bị cầm tay trên nền tảng mạng xã hội ngày càng tăng. Tính chất kết nối vượt biên giới quốc gia, tạo ra biên độ thông tin rộng lớn và cường độ thông tin mạnh mẽ. Chủ thể dư luận giờ đây không còn là độc quyền của cơ quan truyền thông đại chúng. Thông tin “chính thống” giờ đây không còn là sự ban phát một chiều. Các thành viên mạng xã hội chủ động lựa chọn những nội dung họ quan tâm. Thực tiễn truyền thông ấy đã phá vỡ mô hình truyền thông một chiều (hoặc độ tương tác kém) để tạo lập hình thái chủ thể dư luận mới, vừa phân tán vừa hội tụ.
Trong mô hình truyền thông mới, báo chí khai thác mạng xã hội và các nền tảng truyền thông như những đối tác để tạo ra tương tác và lan tỏa (viral, copy, share) thông điệp. Và công chúng sẽ là người đồng hành, chia sẻ trải nghiệm, đồng chủ thể sáng tạo. Thực ra đây không phải là vấn đề mới, lý thuyết về nội dung do người dùng sáng tạo - user generated content (UGC) đã được nhắc đến nhiều năm qua. Công việc của báo chí hôm nay chính là tạo ra một cộng đồng công chúng tích cực hơn, dân chủ hơn (trên nền tảng mạng xã hội) để họ đồng hành với cơ quan báo chí. Báo chí phải được định vị lại để phát huy vai trò của mình trong hệ sinh thái truyền thông mới, trong cuộc cách mạng truyền thông kỷ nguyên Internet vạn vật.
* Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà:
Chống tin tức giả - cuộc chiến còn dài
Tin tức giả như con quái vật nhiều đầu không chỉ đe dọa nghiêm trọng uy tín và tương lai của báo chí mà còn làm nhiễu loạn đời sống tinh thần, chính trị, kinh tế của hầu hết các quốc gia. Vì thế, ở từng quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu, giới hoạch định chính sách, giới truyền thông, giới hoạt động xã hội đã từng bước phối hợp đưa ra “gói” giải pháp đa dạng nhằm ngăn chặn làn sóng tin tức giả. Không hề ngẫu nhiên khi người tự “lãnh ấn tiên phong” trong cuộc chiến chống tin tức giả là các cường quốc. Nước lớn luôn là trung tâm sản xuất tin tức giả, đồng thời cũng là đối tượng tấn công hàng đầu của mọi loại tin tức giả. Việc Chính phủ Việt Nam tăng cường xử phạt các cơ quan báo chí và cá nhân dùng mạng xã hội đăng tin tức giả diễn ra trong thời gian qua, có lẽ cũng không nằm ngoài nỗ lực chung của các nước.
Một giải pháp chống tin tức giả truyền thống và phổ biến là nâng cao năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, rộng ra là giới hoạt động truyền thông. Thay vì nhắm mắt chạy đua với thời gian, dựa dẫm thông tin trên mạng xã hội, người làm báo nên tập trung chăm lo việc mang lại sự thật và điều hữu ích cho người dân - đối tượng dễ bị tổn thương trước các định chế quyền lực trong xã hội. Đó là phương cách hữu hiệu để lấy lại chỗ đứng và lòng tin của báo chí trong công chúng.
Hiện nay, giải pháp được giới nghiên cứu truyền thông và giới đại học kỳ vọng nhất là tổ chức các khóa huấn luyện cho công chúng, giúp họ trở thành những độc giả thông minh, có khả năng “miễn dịch” với tin tức giả... Theo chúng tôi, việc các trường báo chí giúp công chúng nâng cao năng lực tiếp cận và sử dụng thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội là giải pháp căn cơ, có thể mang lại kết quả bền vững trong cuộc chiến chống tin tức giả.
Tất cả giải pháp trên chỉ là phát súng mở màn cho cuộc chiến chống tin tức giả. Mỗi giải pháp đều có ưu điểm và giới hạn riêng của nó. Thế giới tuy phẳng nhưng tồn tại quá nhiều mâu thuẫn, xung đột về quan điểm và lợi ích. Do vậy, tin tức giả vẫn còn đất sống. Và cuộc chiến chống lại nó sẽ còn dài.