Cụ thể, theo Điều 18 của nghị định này ghi rõ: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thu hồi danh hiệu, giải thưởng bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi, liên hoan khi phát hiện một trong các trường hợp như danh hiệu, giải thưởng được trao tại cuộc thi, liên hoan không đúng với nội dung đề án theo hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận hoặc nội dung thông báo; cuộc thi vi phạm quy định cấm trong trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Khi có văn bản của cơ quan quản lý có chức năng, các tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi, liên hoan phải thu hồi danh hiệu, giải thưởng đồng thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp việc thu hồi không được thực hiện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quyền hủy kết quả cuộc thi, liên hoan sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày có văn bản yêu cầu thu hồi và đăng tải thông tin hủy kết quả cuộc thi, liên hoan trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Với những quy định mới này, sẽ không còn xảy ra sự việc như năm 2018, khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn ra văn bản yêu cầu đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại dương hủy kết quả cuộc thi này nhưng ban tổ chức cố tình phớt lờ. Trước đây, quyền tước danh hiệu chỉ thuộc về ban tổ chức cuộc thi và khi họ đã cố tình không thực hiện thì cơ quan quản lý cũng bó tay.
Cũng tại nghị định trên, các điều kiện, thủ tục tổ chức đưa người mẫu, người đẹp dự thi ở nước ngoài được “nới” hơn. Theo đó, người đẹp đi dự thi không nhất thiết phải đoạt các giải thưởng ở các cuộc thi trong nước. Trường hợp cá nhân chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận theo thủ tục quy định thì sẽ không sử dụng danh hiệu đạt được tại cuộc thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Công ty Elite, đơn vị nắm giữ bản quyền các cuộc thi sắc đẹp quốc tế tại Việt Nam, cho biết: “Nghị định có nhiều quy định mới phù hợp với thực tế của Việt Nam và quốc tế. Việc không giới hạn số lượng cuộc thi sẽ khiến các công ty tổ chức phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là xu hướng tất yếu của thị trường, nếu sản phẩm tốt sẽ ngày càng phát triển và cuộc thi không có uy tín, chất lượng sẽ bị khán giả, nhãn hàng tẩy chay và tự đào thải. Việc cho địa phương cấp phép cũng là bước tiến rất cởi mở cho các công ty tổ chức biểu diễn, giúp các đơn vị tổ chức rút ngắn được thời gian xin cấp phép, chủ động hơn trong công việc”.