Xu thế sử dụng ô tô điện lên ngôi


Tesla trở thành gã công nghệ khổng lồ mới nhất của Mỹ với tổng giá trị thị trường đạt 1.000 tỷ USD khi các nhà đầu tư lạc quan về một đơn đặt hàng lớn từ công ty cho thuê ô tô Hertz.

Bước nhảy vọt về giá trị vốn hóa của Tesla xuất phát từ bản hợp đồng 4,2 tỷ USD của Hertz đặt mua 100.000 ô tô điện (EV) của hãng Tesla. Hertz là hãng cho thuê xe nổi tiếng thế giới với mạng lưới cho thuê EV ở khắp các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu.

Xu thế sử dụng ô tô điện lên ngôi ảnh 1 Tesla model 3 trở thành ô tô bán chạy nhất ở châu Âu
Những chiếc EV mới nhất - Tesla model 3 sẽ đến với khách hàng từ tháng 11 cùng với hệ thống các trạm sạc siêu nhanh của Tesla. Hertz cũng đang xây dựng cơ sở hạ tầng trạm sạc của riêng mình. Với bản hợp đồng thế kỷ này, Hertz sẽ là hãng có số lượng xe chạy điện cho thuê chiếm 20% tổng số xe của hãng (so với mức 3% của thế giới) vào cuối năm 2022. Hợp đồng của Hertz đã đẩy cổ phiếu của Tesla lên cao nhất mọi thời đại và đưa Tesla trở thành hãng ô tô đầu tiên trên thế giới có giá trị ngàn tỷ USD theo giá cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.


Như vậy, Tesla đã gia nhập hàng ngũ các công ty có giá trị vốn hóa lớn thứ 5 tại Mỹ, xếp sau: Apple 2.500 tỷ USD, Microsoft 2.300 tỷ USD, Alphabet (công ty mẹ của Google) 1.800 tỷ USD, Amazon 1.700 tỷ USD. Tesla cũng lập kỷ lục là hãng ô tô đầu tiên trên thế giới có giá trị vốn hóa vượt 1.000 tỷ USD và tổng số vốn của Tesla bằng 9 hãng ô tô kế tiếp cộng lại. Điều đáng nói là Tesla chỉ mất 11 năm để đạt số vốn hóa này, bỏ xa số vốn hóa của các công ty ô tô có tuổi đời gần 100 năm như Toyota (240 tỷ USD), Volkswagen (150,69 tỷ USD), Daimler (104,53 tỷ USD), General Motor (83,85 tỷ USD).

Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk hiện là người giàu nhất thế giới với tư cách là cổ đông lớn nhất của Tesla. Theo The Wall Street Journal, số cổ phần ông Musk nắm giữ tại Tesla trị giá khoảng 297 tỷ USD tính đến ngày 25-10. Ngoài ra, một báo cáo từ Công ty phân tích kinh doanh ô tô JATO Dynamics, Tesla model 3 là mẫu ô tô bán chạy nhất ở châu Âu vào tháng 9, đây là lần đầu tiên một chiếc ô tô chạy hoàn toàn bằng điện bán chạy hơn các ô tô sử dụng động cơ đốt trong. Công ty này cũng đạt doanh thu 13,76 tỷ USD trong quý 3-2021 với tổng cộng 241.300EV bán ra trên toàn cầu, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, cũng như nhiều công ty khác, chắc chắn Tesla vẫn phải đối mặt với những thách thức về thu nhập trong những quý tới do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vì Covid-19. Đó là tình trạng thiếu chất bán dẫn, tắc nghẽn tại các cảng và mất điện ở nhiều nước.

Theo các nhà phân tích, do công nghệ vượt trội và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, EV sẽ trở thành chiếc xe của tương lai. Nhờ chạy điện và không phát thải khí CO2 ra môi trường, các EV giúp giảm đáng kể ô nhiễm ở các thành phố lớn, cũng như giúp giảm khí phát thải vốn đang làm cho trái đất nóng lên. Ngoài ra, công nghệ lái tự động theo trí tuệ nhân tạo trong các EV cũng hứa hẹn mở ra tương lai tươi sáng cho các loại ô tô sử dụng công nghệ cao. Theo Bloomberg, ngành công nghiệp ô tô đang đầu tư 330 tỷ USD vào điện khí hóa vào năm 2025 và dự báo sẽ có hơn 130 loại ô tô không phát thải và 30 mẫu ô tô hybrid (sử dụng điện và một loại nhiên liệu khác) trong vòng 5 năm tới.

Một trong những thách thức là khi chuyển đổi sang sử dụng EV, khách hàng vẫn lo lắng về phạm vi sử dụng, cũng như việc thiếu các điểm sạc công cộng. Bên cạnh đó, chi phí của các công ty cho thuê EV khá cao, không chỉ ở giá mua EV mà còn chi phí xây dựng hệ thống trạm sạc, vì vậy giá cho thuê EV cũng cao hơn xe thông thường. Một mối lo nữa là tình trạng thiếu điện đang diễn ra rất gay gắt ở nhiều nơi trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục